Bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận cáo buộc thâu tóm Ngân hàng SCB

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 11-3, phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo liên quan tiếp tục phần thẩm vấn. Trả lời trước tòa, bà chủ Vạn Thịnh Phát khai mình chỉ nắm giữ dưới 5% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận một phần hành vi giống đúng với cáo trạng truy tố. Ngoài ra, có một số điểm chưa chính xác ví dụ như bị cáo không phải nắm giữ trên 90% cổ phần tại Ngân hàng SCB mà chỉ nắm giữ dưới 5% (cụ thể là 4,9%).

“Nếu tính tổng cổ phần mà gia đình bị cáo nắm giữ chỉ khoảng 15%. Còn lại, bị cáo đứng ra bảo lãnh và vận động bạn bè ở nước ngoài nắm khoảng 30%, các bạn bè ở Việt Nam nắm hơn 30%” - bị cáo Lan khai.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trả lời thẩm vấn tại tòa.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trả lời thẩm vấn tại tòa.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa: “Tất cả mọi người mua cổ phần của SCB đều nói đứng tên mua cổ phần giúp Trương Mỹ Lan, bị cáo giải thích sao về vấn đề này", bị cáo Lan khai, những người đứng tên này hoàn toàn không biết mặt mình và cũng không phải đứng tên giúp bị cáo vì bạn bè của bị cáo toàn là Việt kiều Canada, Úc… Bởi theo quy định, họ không được đứng tên mua cổ phẩn nên bạn bị cáo phải tìm người Việt Nam đứng tên giúp chứ không phải đứng tên giúp bị cáo.

Nói về nhóm cổ đông ở nước ngoài chiếm 30% cổ phần SCB, bị cáo Lan cho biết, sau thời điểm hợp nhất ba ngân hàng, tình hình ngân hàng SCB rất khó khăn. Bị cáo phải đứng ra vận động bạn bè ở nước ngoài, đứng ra bảo lãnh để họ đầu tư vào SCB, để vực dậy SCB.

Bị cáo Lan cũng cho biết, thời điểm hợp nhất ba ngân hàng thì các cơ quan Nhà nước có nhờ bị cáo đứng ra giúp vì thời điểm đó, các nhóm cổ đông của cả ba ngân hàng đều hỗn loạn, tranh giành cổ phần với nhau.

"Do đó, bị cáo đứng ra kêu gọi bạn bè, người thân cùng chung tay mua đủ trên 65% cổ phần để từ đó có thẩm quyền ra nghị quyết hợp nhất ba ngân hàng, chứ không phải "thâu tóm" như cáo trạng nêu"- bà chủ Vạn Thịnh Phát nói.

Làm rõ vai trò “bà trùm”, chủ tọa truy vấn: “Tất cả các bị cáo khác là tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB… đều xác định làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, bị cáo giải thích sao về chuyện này?”.

Đáp lời, bị cáo Lan khai, ngay từ đầu, bị cáo này được giao nhiệm vụ giúp cho ba ngân hàng được hợp nhất, sau khi hợp nhất không có người nào là người thân tín của bị cáo. Lê Khánh Hiền là người đầu tiên làm tổng giám đốc, các bị cáo Thu Sương, Võ Tấn Hoàng Văn… đều không phải là người thân tín của bị cáo. “Những người này chỉ làm khoảng một năm là nghỉ, nếu là thân tín thì đã làm và gắn bó với bị cáo trong thời gian dài” - bị cáo Lan nói. Theo Trương Mỹ Lan, sau khi hợp nhất ba ngân hàng, bị cáo này không chỉ đạo hay điều hành gì.

Khai về bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước), bị cáo Lan nói không hề biết Đỗ Thị Nhàn mà chính Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành nhờ bị cáo này gặp Nhàn để nói kết thúc sớm thanh tra, tiếp tục hỗ trợ cho Ngân hàng SCB mượn tài sản và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào giúp SCB.

Chủ toạ phiên toà tiếp tục chất vấn các khoản tiền vay của Công ty Đông Phương: “Công ty Đông Phương vay 1.700 tỉ nhưng chỉ sử dụng 400 tỉ, số tiền còn lại đưa cho bị cáo sử dụng. Bị cáo giải thích sao về vấn đề này?”.

Bị cáo Lan khai, vấn đề này không đúng vì thời điểm đó, ngân hàng Nhà nước đang siết cho vay bất động sản, khuyến khích cho vay thương mại. Cho nên khi gặp lãnh đạo Công ty Đông Phương, bị cáo thấy công ty này đang kinh doanh rất tốt nên bị cáo đã đứng ra cho mượn tài sản để bảo lãnh cho Công ty Đông Phương vay. Do tài sản đảm bảo là của bị cáo nên Tùng (chủ tịch Công ty Đông Phương) cứ nghĩ là tài sản của mình và được quyền sử dụng hết 1.700 tỉ đồng là không đúng.