Cơ quan báo chí của Trung đoàn 19 Vệ binh quốc gia Ukraine vừa đăng tải hình ảnh chiếc xe tăng T-62M chiến lợi phẩm, được họ nâng cấp và đưa trở lại chiến trường để làm nhiệm vụ.
Dễ dàng nhận thấy chu vi tháp pháo, ngoại trừ phần phía trước - nơi đặt các khối giáp composite bổ sung, đã được gia cố bằng nhiều phiến giáp phản ứng nổ. Đáng chú ý nhất chính là chiếc lồng thép kích thước lớn để chống đòn tấn công từ máy bay không người lái FPV.
Bên cạnh đó một cấu trúc đặc biệt đã xuất hiện phía trên khoang động cơ, được bao phủ bởi một tấm lưới ngụy trang, nhiều khả năng cấu kiện này nhằm tản nhiệt, giúp cỗ chiến xa khó bị phát hiện hơn bởi khí tài trinh sát ảnh nhiệt, đồng thời đóng vai trò như lớp giáp phụ.
Tuy vậy hai bên sườn xe lại chưa được bổ sung giáp, tạo ra một vị trí xung yếu, nhiều khả năng trọng lượng tăng thêm của giáp đắp vào phần phía trước và tháp pháo đã vượt quá sức chịu đựng của động cơ, do vậy cần cắt bỏ giáp hông để duy trì khả năng vận động.
“Trên chiến trường, xe tăng là mục tiêu nguy hiểm nhất nên đối phương luôn tìm cách tiêu diệt nó bằng mọi cách. Nhiệm vụ của chúng ta là học cách cơ động nhanh hơn và tiêu diệt kẻ địch một cách hiệu quả hơn".
"Chúng tôi là lính thiết giáp và những các quân nhân biết rõ công việc của mình, vì vậy kẻ địch nên cẩn thận khi đối diện chúng tôi”, chỉ huy trung đội xe tăng Ukraine với biệt danh Pseudo gửi lời cảnh báo.
Vấn đề tiếp theo cần lưu ý đó là tại thời điểm hậu Xô Viết, số lượng xe tăng T-62 mà Ukraine được thừa hưởng là không nhiều, chủ yếu ở các đơn vị huấn luyện và sửa chữa, tuy nhiên sau đó chúng đã bị loại biên khá nhanh chóng.
Thực tế trên đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt liên tục và trầm trọng cả đạn dược lẫn phụ tùng thay thế cho những chiếc xe tăng T-62 chiến lợi phẩm. Một vấn đề khác là cỡ nòng 115 mm không phổ biến, khiến việc tìm đủ cơ số đạn chiến đấu rất khó khăn.
Chiếc xe tăng T-62M đầu tiên được Quân đội Ukraine thu giữ là vào tháng 9/2022, đã có tổng cộng có 45 chiến xa T-62 với nhiều phiên bản khác nhau rơi vào tay binh sĩ Kyiv, nhưng chúng không được sử dụng rộng rãi do những trở ngại kể trên.
Một số xe tăng T-62 đang được sử dụng để huấn luyện binh sĩ, điển hình như tại Lữ đoàn bảo vệ lãnh thổ độc lập số 110, các quân nhân đang học cách lái phương tiện chiến đấu và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường.
Bên cạnh đó, một số chiếc T-62M sở dĩ còn duy trì hoạt động chính là nhờ việc tháo phụ tùng từ xe tăng khác, tức là trong số T-62M bị thu giữ, nhiều chiếc chỉ thực hiện vai trò "nhà cung cấp" mà thôi.
Chỉ huy Lữ đoàn 110 cho biết: "Việc huấn luyện rất khó nhưng điều này giúp nhận ra tầm quan trọng của tinh thần đồng đội và phối hợp hành động, tân binh được hướng dẫn bởi sĩ quan và lính chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm nhằm truyền đạt toàn bộ kiến thức cho họ".
Bên cạnh đó, một số xe tăng T-62M khác đã được hoán cải công năng, ví dụ như làm phương tiện yểm trợ hỏa lực hạng nặng bằng cách lắp tháp pháo 30 mm 2A42 của xe chiến đấu bộ binh BMP-2.
Với cách làm trên, Quân đội Ukraine sở hữu một phương tiện tác chiến với hỏa lực khá mạnh mẽ cùng lớp giáp tốt hơn nhiều so với xe bọc thép thông thường.