Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

ANTĐ - Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bước đầu thiết lập cơ sở cho quá trình đổi mới và cải cách bộ máy nhà nước phù hợp với tiến trình đổi mới của nhà nước ta. Tuy nhiên, nội hàm về nhà nước pháp quyền vẫn chưa được thể hiện cụ thể và xuyên suốt, nhất là các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước. 

zHiến pháp năm 1992 chỉ quy định nguyên tắc chung về phân công, phối hợp mà chưa xác định rõ các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và tư pháp nên chưa phân định đầy đủ, đúng đắn, minh bạch về thẩm quyền của mỗi cơ quan. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong Hiến pháp năm 1992 cũng chưa được xác định rõ. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp mặc dù được giao cho nhiều cơ quan khác nhau nhưng chưa thật sự cụ thể, hiệu lực, hiệu quả bảo vệ Hiến pháp chưa cao. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp và trên thực tiễn thi hành phát sinh một số bất cập, chưa phù hợp với xu thế quản trị quốc gia hiện đại trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Khắc phục những hạn chế trên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã có những điều khoản khẳng định Quốc hội là cơ quan lập pháp; Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại; Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan cũng đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm để Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Quy định cụ thể hơn thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch nước trong hoạt động lập pháp, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch hội đồng Quốc phòng và An ninh… Tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ chủ động hơn trong việc đề xuất và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xác định rõ trách nhiệm của tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên. Sửa đổi các quy định về tổ chức và hoạt động của TAND, VKSND theo định hướng cải cách tư pháp.