Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều cán bộ Thanh tra bị đề nghị truy tố

ANTD.VN - Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, ngoài những cựu lãnh đạo, cán bộ thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước, thì 3 cá nhân khác nguyên là cán bộ Thanh tra Chính phủ cũng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”. Cả 3 cựu thanh tra viên này đều hưởng lợi vật chất từ Ngân hàng SCB.

Bưng bít sai phạm của SCB

Các bị can bị bị đề nghị truy tố về tội danh nêu trên gồm: Trần Văn Tuấn, Trương Việt Hưng và Nguyễn Duy Phương, đều là Thanh tra viên - Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp, thuộc Thanh tra Chính phủ.

Theo Kết luận điều tra, năm 2017-2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thanh tra toàn diện đối với Ngân hàng SCB. Đoàn thanh tra do Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tiến hành.

Liên quan đến Ngân hàng SCB, hàng loạt cán bộ thanh tra bị đề nghị truy tố.

Cuộc thanh tra được tiến hành 2 đợt. Nội dung thanh tra có việc làm rõ tình trạng sở hữu cổ phần, kiểm soát, điều hành tại Ngân hàng SCB của Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để Chính phủ và NHNN có biện pháp xử lý phù hợp.

Nhưng quá trình thanh tra, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Trưởng, phó đoàn thanh tra, thanh tra viên, trong đó có 3 thanh tra viên từ Thanh tra Chính phủ đã có sai phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB.

Từ đó, bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra dẫn đến NHNN không có đủ thông tin để tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm.

Cụ thể, Kết luận điều tra vụ án chỉ rõ, trong đợt 1 của cuộc thanh tra, bị can Trần Văn Tuấn là Tổ trưởng Tổ thanh tra số 4, chịu trách nhiệm chỉ đạo các thành viên tiến hành thanh tra và tổng hợp chung về kết quả thanh tra đối với Phương án Chợ Vải (tại Chi nhánh Chợ Lớn).

Kết quả thanh tra đã xác định, làm rõ được việc cho vay 18 khách hàng thuộc Phương án Chợ Vải có các sai phạm, vi phạm nghiêm trọng… Việc cho vay tiền của SCB chỉ là hình thức về mặt hồ sơ, còn bản chất là đảo nợ, để xử lý kỹ thuật cho các khoản vay, khoản tồn tại cũ và không phải là phương án vay vốn có hiệu quả.

Tuy nhiên, cựu Thanh tra viên đã không báo cáo đúng, đủ, trung thực, khách quan sai phạm nghiêm trọng của Phương án Chợ Vải và không kiến nghị xử lý đúng đối với sai phạm của dự án này như yêu cầu đặt ra là Ngân hàng SCB phải thu hồi nợ, phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, thoái lãi dự thu…

Hai cựu Thanh tra viên Trương Việt Hưng, Nguyễn Duy Phương cũng là thành viên thanh tra Tổ 4, đã báo cáo không đúng, không trung thực, đầy đủ trong báo cáo kết quả thanh tra đối với SCB.

Bất ngờ “quay xe”...

Cũng theo Kết luận điều tra vụ án, ở đợt 2, cả ba bị can gồm ông Trần Văn Tuấn với vai trò thành viên thanh tra Tổ 1, Trương Việt Hưng, thành viên thanh tra Tổ 3 và Nguyễn Duy Phương, thành viên thanh tra Tổ 2 đã ký Biên bản họp Đoàn thanh tra ngày 17-4-2018 thống nhất điều chỉnh thu hẹp thời kỳ, phạm vi thanh tra.

Đồng thời, bị can Trần Văn Tuấn khi được phân công tổng hợp kết quả thanh tra của Tổ 3 đã thống nhất với kết quả điều chỉnh, thay đổi kết quả thanh tra, không đề xuất chuyển sai phạm của nhóm khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai cho CQĐT mà yêu cầu Ngân hàng SCB tự rà soát, nếu phát hiện vi phạm thì chuyển cơ quan chức năng xử lý.

Trong khi ấy, bị can Trương Việt Hưng đã phát hiện các sai phạm nghiêm trọng cho vay và kiến nghị chuyển CQĐT trong báo cáo ban đầu nhưng sau đó bị can này thay đổi quan điểm, không kiến nghị chuyển CQĐT trong các báo cáo về sau.

Tương tự, bị can Nguyễn Duy Phương trực tiếp kiểm tra 9 khoản vay của 6 trong số 71 khách hàng có cùng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai tại SCB. Bị can Phương phát hiện phương thức cho vay, giải ngân giống nhau, đều không có hồ sơ tài liệu về pháp lý dự án, không có chứng từ, tài liệu chứng minh việc sử dụng nguồn vốn để thực hiện dự án.

Cựu thanh tra viên này đã báo cáo đề xuất bằng miệng với Vương Đỗ Anh Tuấn (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) là yêu cầu SCB cung cấp hồ sơ để xác minh dự án có thật hay không. Nếu được đi xác minh và nếu phát hiện dự án là “ảo’’ thì sẽ chuyển CQĐT xem xét. Nhưng bị can Phương không thực hiện các nội dung này và không kiến nghị chuyển CQĐT xử lý.

Về yếu tố vụ lợi, CQĐT làm rõ, bị can Trần Văn Tuấn đã 4 lần được Ngân hàng SCB đưa tiền, quà, lợi ích vật chất, tổng cộng 6.000 USD và 40 triệu đồng. Tại CQĐT, bị can Tuấn thừa nhận đã có hành vi phạm tội, làm trái công vụ, chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình thanh tra.

Cựu thanh tra viên Nguyễn Duy Phương khai nhận, có 2 lần được Ngân hàng SCB đưa tiền, tổng cộng 1.000 USD và 20 triệu đồng. Nhưng bị can Phương khai không nhớ về số tiền 5.000 USD nhận từ Ngân hàng SCB vào đợt nghỉ lễ 2-9-2017.

Bị can Trương Việt Hưng chưa thừa nhận việc nhận tiền, quà từ Ngân hàng SCB trong thời gian tham gia đoàn thanh tra… Tuy nhiên, CQĐT xác định, lời khai của các thành viên trong đoàn thanh tra và các cá nhân liên quan cho thấy, có 2 lần Ngân hàng SCB gửi tiền quà cho tất cả các thành viên Đoàn thanh tra.

Lần thứ nhất vào ngày công bố Quyết định thanh tra (ngày 15-8-2017), lãnh đạo Ngân hàng SCB đưa cho tất cả thành viên Đoàn thanh tra, gồm cả thanh viên thuộc Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mỗi người 1.000 USD. Và lần thứ hai là vào dịp nghỉ lễ 2-9-2017, lãnh đạo SCB đưa 5.000 USD/người cho các thành viên Đoàn thanh tra.