Vụ thất thoát hơn 2.700 tỉ đồng: Bị cáo Vũ Huy Hoàng tự bào chữa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 24-4, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 bị cáo liên quan, trong vụ thất thoát hơn 2.700 tỉ đồng tại Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục phần bào chữa của các luật sư.

Luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự

Ngay sau bài phát biểu luận tội của đại diện Viện kiểm sát (VKS), luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã đưa ra quan điểm bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng. Theo luật sư Thiệp, quá trình xét hỏi tại phiên tòa phải được đánh giá và lấy đó làm cơ sở luận tội nhưng bản luận tội của VKS không khác mấy so với bản cáo trạng.

“Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì nên hiểu theo hướng có lợi cho bị cáo nhưng VKS lại không áp dụng. Thực tế cho thấy đến nay không có hậu quả. Điểm mấu chốt phát sinh quan điểm chuyển đất công thành đất tư là từ hợp đồng số 01. Các bên đề nghị được góp vốn, được đề nghị tự động nộp tiền; sự thương thảo không được sự phê duyệt của cơ quan cấp trên là bộ Công Thương” – luật sư lập luận.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Theo người bào chữa của bị cáo Vũ Huy Hoàng, Sabeco đã thực hiện quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh nên đã ký hợp đồng 01. Đề nghị HĐXX quan tâm đến nguyên nhân dẫn đến việc chuyển người đứng tên trong sổ đó không phải Sbeco nữa mà là Công ty liên doanh Sabeco Pearl.

“Hợp đồng ký xong không chuyển sang bộ. Điều này nói lên rằng ông Hoàng và tập thể Bộ Công Thương không được biết, chỉ đến khi làm việc với CQĐT mới biết. Quy trình ký hợp đồng 01 cũng có vấn đề. Giá trị pháp lý cũng cần phải xem xét lại. Nếu không còn giá trị pháp lý, bản chất sự việc sẽ rẽ sang một hướng khác” – luật sư Thiệp nhìn nhận.

Cho rằng thân chủ không có vai trò gì trong việc này, luật sư Thiệp khẳng định: “Việc cho thuê, quyết định cho thuê hoàn toàn không nằm trong thẩm quyền, trách nhệm của Bộ Công Thương nên không thể quy kết trách nhiệm cho lãnh đạo bộ. Dù Sabeco có đề nghị như thế nào thì cũng là đề nghị, việc quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất là quyền của cơ quan quản lý đất đai. Ông Hoàng không có lỗi cố ý, không biết và cũng không chỉ đạo”.

Đối với vấn đề thoát vốn của Sabeco khỏi liên doanh Sabeco Pearl, luật sư Thiệp cũng đề nghị HĐXX xem xét đến hậu quả của vụ án. Từ đó vị luật sư này đề nghị cho tòa án miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Khuyết điểm chỉ là quá lo lắng cho Sabeco

Về phần mình, tự bào chữa, cựu Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng mở đầu: “Cảm ơn HĐXX, VKS đã tạo điều kiện cho bị cáo được tự bào chữa cho những hành vi của bị cáo mà VKS luận tội”. Bị cáo Hoàng cho biết, đồng tình với ý kiến, quan điểm bào chữa của luật sư, bởi đây là ý kiến phản ánh đầy đủ, khách quan, nói đúng bản chất sự việc.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ không đồng tình với luận tội của VKS.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ không đồng tình với luận tội của VKS.

Trình bày trước tòa, cựu Bộ trưởng phân trần, về cá nhân, về mặt tư tưởng trong nhiều năm, kể từ khi CQĐT quyết định khởi tố vụ án vào năm 2018 đến nay, bị cáo luôn suy nghĩ, trăn trở nhưng hôm nay rất bất ngờ trước luận tội của VKS về hành vi có liên quan đến cá nhân ông ta.

Cho rằng không chỉ đạo gì đối với Sabeco, bị cáo Vũ Huy Hoàng lập luận, chỉ đạo là áp đặt ý chí của mình cho cấp dưới thực hiện hành vi theo suy nghĩ của mình, dù hành vi đó là phù hợp hay không phù hợp. Vai trò chính là người chủ trì công việc cụ thể, chịu trách nhiệm chính về công viêc cụ thể.

Quá trình triển khai dự án có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu dự án, khẳng định dự án đầu tư của Sabeco tại khu đất trên, mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc của Tổng công ty Sabeco với vị thế là tổng công ty đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương, vị thế của tổng công ty tương xứng với trụ sở làm việc.

Hơn nữa, với tinh thần đổi mới của Nhà nước, cạnh tranh rất khốc liệt thì Sabeco xây dựng trụ sở không phải chỉ làm việc mà còn để khẳng định uy tín, vị thế của mình nên Bộ đã có chủ trương xuyên suốt đối với nguyện vọng chính đáng của Tổng công ty Sabeco… Khi về bộ, bị cáo chỉ là người thực hiện nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, cá nhân bị cáo không hề có đề xuất gì đối với dự án này.

Đối với việc thay thế nhà đầu tư trong dự án, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng về bản chất, việc thay thế nhà đầu tư không làm thay đổi nội dung bản chất của dự án. Dự án Sabeco lúc đó đã đang triển khai khâu chuẩn bị đầu tư, không phải dự án mới.

Với đề xuất của Sabeco, với tham mưu của các bộ phận chức năng của Bộ Công Thương, đầu mối là Vụ Công nghiệp nhẹ với ý kiến của Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, suốt quá trình đó, bị cáo không có bất kỳ thông tin nào về triển khai dự án.

Chỉ đến năm 2012, tổng công ty báo cáo với Bộ Công Thương về khó khăn trong triển khai dự án Sabeco Land, nhà đầu tư liên doanh liên kết không đủ năng lực; khủng hoảng bất động sản khiến sự quan tâm của các nhà đầu tư còn hạn chế nên bị cáo rất thông cảm và chia sẻ với mong muốn của Sabeco khi đề nghị nhà đầu tư thay thế.

“Nếu tôi có mắc khuyết điểm thì đó là quá quan tâm, nhiệt tình, chia sẻ lo lắng với khó khăn của Sabeco” – cựu Bộ trưởng nói và tái khẳng định không hề chỉ đạo cụ thể gì về việc thay thế nhà đầu tư ở dự án Sabeco Land.

Vấn đề tiếp theo là triển khai dự án, nhất là việc chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl. Bị cáo Hoàng cho rằng ông ta không tham gia vào bất kỳ khâu nào của quá trình này, không chỉ đạo việc gì trong giai đoạn này. “Tôi không có quan hệ cá nhân với các lãnh đạo của UBND TP HCM.” – bị cáo Hoàng trình bày.

Tương tự, đối với việc chỉ đạo thoái vốn nhà nước ngay sau khi chuyển giao quyền sử dụng đất, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng các cáo buộc là không khách quan và không đúng sự thật. Bởi bị cáo này cho rằng tháng 3-2014, Bộ Công Thương có văn bản về việc đồng ý thay thế nhà đầu tư nhưng đến tận tháng 2-2016 mới xảy ra việc Sabeco đề nghị thoái vốn tại Sabeco Pearl.