Vụ cô gái vào nhà hàng 5 sao không trả tiền ăn: 'Quỵt' tiền bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ cô gái vào nhà hàng của một khách sạn 5 sao ở Hà Nội rồi gọi các món cao cấp nhưng quỵt tiền, nhiều người đặt câu hỏi, chủ nhà hàng có quyền tạm giữ khách để đòi nợ?

Sự việc xảy ra tại nhà hàng của một khách sạn 5 sao thuộc phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội. Tối 28-5, một cô gái ăn mặc khá sang trọng vào nhà hàng này yêu cầu lấy thực đơn và gọi các món cao cấp gồm bò Wagyu A5, tôm hùm nguyên con, rượu vang Đức, hoa quả…Tổng số tiền cần thanh toán là gần 11,1 triệu đồng.

Khi nhà hàng đến giờ chuẩn bị đóng cửa, nhân viên in hóa đơn tính tiền thì cô gái này "tỏ ra ngây ngô và không mang bất kỳ giấy tờ cá nhân nào". Quản lý nhà hàng đã ra nói chuyện với khách hàng, đồng thời liên hệ cơ quan Công an can thiệp, tuy nhiên cô gái này không hợp tác, liên tục tỏ ra không bình thường, nằm ra ghế sofa...

Quản lý nhà hàng cùng lực lượng công an làm việc với cô gái
Quản lý nhà hàng cùng lực lượng công an làm việc với cô gái

Sự việc trên không phải hiếm gặp. thực tế có không ít cá nhân sau khi ăn uống tại nhà hàng, khách sạn, quán cà phê…đã tìm mọi cách để quỵt tiền như quên ví, quên thẻ, chê món ăn chán hay quá đắt, giả ngây ngô, thậm chí còn tìm cớ gây sự, hành hung nhân viên quán ăn hay lợi dụng quán đông khách rồi lẳng lặng "chuồn" khiến nhân viên phục vụ khóc dở mếu dở vì phải móc túi ra trả thay… Nhiều chủ cửa hàng, người cung cấp dịch vụ đã phải ngậm đắng nuốt cay khi gặp các “thượng đế” này.

Về hiện tượng trên, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc đi ăn, uống nhưng không trả tiền là trái đạo đức, trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu của người cung cấp dịch vụ.

Khi gặp các trường hợp quỵt tiền ăn uống, một số chủ quán do không giữ được bình tĩnh đã to tiếng chửi mắng khách, thậm chí còn giữ, nhốt người lại nên đã vô tình tự đẩy mình vào vòng lao lý.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, đòi nợ thô bạo không phải là cách giải quyết đúng đắn trong trường hợp này. Chủ quán có quyền tự bảo vệ quyền dân sự của mình nhưng phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền và phải đảm bảo không được trái pháp luật, như yêu cầu người ăn thanh toán tiền trước khi rời đi hoặc tạm giữ tài sản có giá trị tương đương số tiền nợ để đảm bảo người này quay lại trả nợ.

Bộ Luật dân sự 2015 quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông qua việc cầm giữ tài sản. Theo đó, cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ" (Điều 346 Bộ luật dân sự năm 2015).

Bên cạnh đó, chủ quán cần báo với cơ quan công an đến lập biên bản xem xét xử lý hành chính về gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong khoảng thời gian chờ cơ quan công an đến xử lý vụ việc thì hành động này không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật.

Trường hợp có đủ bằng chứng cho rằng, đối tượng quỵt tiền ăn đã thực hiện hành vi này nhiều lần, ở nhiều nơi một cách chuyên nghiệp, cơ quan Công an có thể xem xét điều tra, xử lý nghiêm theo quy định. Còn nếu đối tượng là người “không bình thường”, không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì khó có căn cứ xử lý - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.