Vụ bé gái 8 tuổi tử vong do bạo hành: Khi nào đối tượng thực hiện hành vi bị xem xét về tội giết người?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi nghi bị “dì ghẻ” bạo hành dẫn đến tử vong đang gây phẫn nộ trong dư luận, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành, đối tượng thực hiện hành vi phải đối diện với mức án nào? Liệu có trường hợp thay đổi tội danh, đối tượng có thể bị xử lý về tội giết người hay không? Bố cháu bé bị bạo hành có được coi là “đồng phạm”?

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, bé,. HCM đã khởi tố bị can đối với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai, trú quận Bình Thạnh) về hành vi "Hành hạ người khác".

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 140 BLHS 2015 sửa đổi về Tội hành hạ người khác quy định, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 1 đến 3 năm.

Chiếc gậy đối tượng dùng để bạo hành cháu bé 8 tuổiChiếc gậy đối tượng dùng để bạo hành cháu bé 8 tuổi

Trường hợp những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo quy định pháp luật như cha, mẹ, ông, bà, thầy cô giáo... mà có hành vi đối xử tàn ác đối với trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của trẻ em (nhưng không phải là hành vi gây thương tích hoặc sát hại trẻ em) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên. Còn những người không có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống… thì không áp dụng tội này.

Bên cạnh đó, tội Hành hạ người khác cũng chỉ xem xét với hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc, nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc chết người.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án về hành vi hành hạ người khác là hoạt động tố tụng bước đầu để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra, nếu có đủ căn cứ chứng minh đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét xử lý về tội danh tương ứng.

Nếu người bạo hành cháu bé 8 tuổi tử vong nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, nhưng vẫn cố ý thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo điều 123 BLHS 2015.

Theo đó, đối tượng thực hiện hành vi sẽ phải đối diện với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nếu đối tượng không sử dụng hung khí nguy hiểm, không đánh đập vào những vùng hiểm yếu, không nhận thức được hành vi của mình dẫn đến việc nạn nhân tử vong, mà mục đích chỉ là gây thương tích cho nạn nhân thì có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo Điều 134 BLHS 2015.

Với hậu quả là khiến nạn nhân thiệt mạng, đối tượng thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với khung hình phạt lên đến 15 năm tù.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ vai trò trách nhiệm của bố cháu bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết. Nếu người bố biết về việc con bị đánh đập, nhưng không can ngăn mà lại còn giúp sức, xúi giục thì người này có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với người đã đánh đập cháu bé, Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.