Vụ 11 học sinh ăn 2 gói mì tôm: Học sinh vùng khó khăn được hỗ trợ tiền ăn bán trú bao nhiêu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ 11 học sinh bán trú phải chan cơm 2 gói mì tôm ở Lào Cai, điều được nhiều người quan tâm là theo quy định, mức hỗ trợ tiền ăn bán trú, gạo cho học sinh vùng khó khăn cụ thể ra sao?

Sau khi vụ việc 11 học sinh bán trú phải chan cơm 2 gói mì tôm bị phát hiện, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 đã bị tạm đình chỉ công tác.

Trước đó, UBND huyện Bắc Hà đã thành lập Tổ kiểm tra xác minh tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, gồm Thanh tra huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Phòng GD - ĐT huyện, Trung tâm Y tế huyện, UBND xã Hoàng Thu Phố 1 để xác minh những nội dung báo chí phản ánh.

Được biết, theo khẩu phần, mỗi em được ăn một gói mì tôm 1 quả trứng nhưng thực tế nhà trường chỉ cho 11 em ăn chung 2 gói mì. Trường có tổng số 174 học sinh bán trú hưởng chế độ ăn sáng này. Ngoài ra, thực phẩm dùng để chế biến cho các em học sinh cũng kém chất lượng.

Học sinh ăn cơm chan mì tôm

Học sinh ăn cơm chan mì tôm

Về mức hỗ trợ tiền ăn bán trú, hỗ trợ gạo cho học sinh vùng khó khăn, theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức sau:

Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/ năm học/ học sinh; (mức lương cơ sở hiện hành là 1.800.000 đồng/ tháng).

Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/ năm học/ học sinh;

Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/ năm học/ học sinh.

Bên cạnh đó, trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: Nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành;

Mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình, phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ 100.000 đồng/ học sinh bán trú/ năm học;

Lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50.000 đồng/ học sinh bán trú/ năm học;

Trường hợp trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/ 1 tháng/ 30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 5 lần định mức nêu trên/ 1 tháng và không quá 9 tháng/ 1 năm.

Trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh; được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất tùy theo số lượng học sinh được hưởng và nguồn kinh phí hiện có…