Võ và vẽ trong một phong cách

ANTD.VN - Phạm Trần Quân không ngông nhưng ngầu. Cái bụi bụi phủi phủi của anh làm người ta liên tưởng tới hình ảnh của các tay đua tốc độ hoặc một chút liên quan tới giới văn nghệ sỹ. Cái cảm nhận ban đầu ấy thực ra cũng chẳng sai, khi Phạm Trần Quân vừa là võ sư karate, lại được biết đến là một họa sỹ có cá tính riêng trong hội họa.  

Phạm Trần Quân (bên phải) nâng cao trình độ võ thuật tại Nhật Bản

Cá tính quyết liệt trong hội họa

Nổi lên từ các triển lãm nhóm cùng họa sỹ Lê Thiết Cương, Phương Bình… Phạm Trần Quân bắt đầu được chú ý với cá tính quyết liệt trong hội họa. Trong tranh anh, sự nổi loạn và phá cách hiện lên rất rõ với những đường thẳng băng mà nếu với các họa sỹ có cá tính dịu nhẹ, họ sẽ rất dè chừng.

Cho dù, Phạm Trần Quân vẽ tĩnh vật, phong cảnh hay biểu hiện trừu tượng thì cá tính ấy vẫn không thay đổi. Lý giải cho điều này, anh cho biết, có thể những trận đấu đối kháng và tinh thần của võ thuật đã ảnh hưởng tới quan niệm và cách nhìn của anh trong hội họa. Sự mạnh mẽ, dứt khoát và chính xác của những cú xoay người, những cú đá trong võ thuật đã làm bút pháp của Phạm Trần Quân bỗng trở nên mạnh mẽ khác thường trong hội họa.

Nói như vậy không có nghĩa tranh của Phạm Trần Quân chỉ mang lại cho người xem cảm giác ngột thở của các trận đấu mà trái lại, sự tĩnh lặng, dịu êm mới thực sự là điều bất ngờ từ những tác phẩm như thế. 

Tập luyện võ thuật từ nhỏ, Phạm Trần Quân đã lĩnh hội tinh thần thượng tôn trong võ là việc tu  thân, dưỡng tâm. Cái tâm của người bước vào trận đấu cần phải lặng, phẳng thì cái đầu mới lạnh, mới đủ tỉnh táo và khôn ngoan để ra được những cú phản đòn chính xác. Còn nếu nóng giận, bực bội thì chiến thắng là điều không tưởng.

Vì vậy, khi ngồi vẽ, Phạm Trần Quân luôn mang tinh thần của võ thuật vào trong hội họa. Các tác phẩm của anh dù quyết liệt nhưng lại rất an nhiên. Những đường sổ thẳng nổi loạn lại trở nên trật tự, thăng bằng cùng với những nét vẽ nhỏ, ngắn nằm xen kẽ lẫn nhau.

Cũng nhờ điều này, Trần Quân đã đủ sức diễn tả phố Hà Nội đầy dịu dàng qua các mùa thương nhớ. Phố trong tranh anh có vẻ đẹp man mác, buồn lặng nhưng ánh lên niềm tự hào về Thủ đô một thời mãi xa. 

Thành công ở cả võ và vẽ

Phạm Trần Quân là họa sỹ đi lên bằng con đường tự học. Từng dự thi vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhưng sau lựa chọn con đường theo võ thuật, bằng cách gia nhập Hội Võ thuật Hà Nội, Phạm Trần Quân tưởng chừng niềm mơ ước một thời tuổi trẻ với bảng vẽ và hộp bút màu sẽ dừng lại.

Nhưng không, những ngày tập luyện với các thế võ lại cho anh sự chiêm nghiệm về cách nhìn nhận màu sắc và hình họa. Võ và vẽ tưởng như rất xa nhau nhưng thực ra lại rất gần trong cách nhìn của Phạm Trần Quân. Anh mua sách dạy về hội họa của thế giới và Việt Nam rồi bắt đầu mày mò những cách vẽ.

Cũng giống như những người mới bắt đầu đến với bộ môn nghệ thuật của màu sắc, Phạm Trần Quân luôn lo lắng làm sao vẽ cho giống, cho thực. Anh đã mất khoảng thời gian dài để ngộ ra rằng, sự sao chép là không cần thiết. Tiếng nói của người họa sỹ trước sự vật, hiện tượng mới thực sự thu hút được người xem. 

Vừa làm võ sư, vừa làm họa sỹ, Phạm Trần Quân đã cùng lúc thực hiện hai công việc khác nhau nhưng lại gặt hái được không ít thành công. Anh từng giành HCB tại Giải Shitoriu thế giới năm 2013 và đã đến Nhật Bản để nâng cao trình độ. Hiện Phạm Trần Quân đang mở lớp dạy võ thuật cho người lớn tuổi cùng võ sư Lê Công.

Còn với hội họa, Phạm Trần Quân từ một họa sỹ tay ngang đã bước hẳn vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Anh làm việc say mê và võ thuật đã giúp cho anh có được một cơ thể khỏe mạnh và sự bền bỉ dẻo dai đối với công việc lao động sáng tạo nghệ thuật. Phạm Trần Quân làm việc hăng say và ngay với các họa sỹ trong nghề cũng rất nể sức làm việc của anh.

Một buổi sáng của anh thường bắt đầu bằng những bài quyền để đánh thức nội lực cơ thể, sau đó với một ấm nước chè, Phạm Trần Quân bắt tay vào vẽ ngay. Anh vẽ hàng ngày và các bức tranh cứ tích đầy theo năm tháng. Đến khi đã hòm hòm các tác phẩm, anh mới  mạnh dạn tổ chức triển lãm như một cách góp tiếng nói vào giới hội họa cả nước.

Muốn đưa tác phẩm ra thế giới

Ở triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 2005 tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Phạm Trần Quân đã manh nha cho thấy một tài năng khi các bức vẽ dù còn non nớt về kỹ thuật nhưng có cảm xúc và thể hiện cái nhìn đầy thương cảm đối với những thân phận. Anh thường vẽ những cánh tay buông thõng đầy mệt mỏi của người lao động hoặc những quán nước ban đêm của Hà Nội.

Đến triển lãm cá nhân lần hai, Phạm Trần Quân đã thể hiển rõ rệt hơn cá tính trong hội họa bằng việc đặt ra những dấu hỏi trong nghệ thuật và tên gọi của cuộc triển lãm cũng được đặt bằng một dấu “?”.

Họa sỹ Lê Thiết Cương đã tỏ ý khen ngợi họa sỹ trẻ với một câu đại ý rằng: “Quân có biết không, nghệ thuật chính là những dấu hỏi mà chưa cần phải tìm ngay câu trả lời đích đáng”. Được động viên, Phạm Trần Quân đã có động lực để tiến xa hơn trong nghệ thuật, nỗ lực nhiều hơn với những sáng tạo không biết mệt mỏi. 

Trong khi các họa sỹ trẻ thường lựa chọn việc giới thiệu tác phẩm trên facebook hay website thì anh lại ưa thích một hình thức duy nhất để người xem biết đến là đưa tranh đi triển lãm. Vì thế, Phạm Trần Quân xuất hiện dày đặc tại các triển lãm nhóm và triển lãm cá nhân trong vòng hai năm trở lại đây.

Mỗi bức tranh có nơi, có chốn luôn là niềm hạnh phúc đối với người họa sỹ này, cho dù, quá trình mày mò trải nghiệm kéo dài và mất nhiều công sức hơn. Nhưng bù lại, việc tự học đã giúp anh nhận ra lợi thế trong bút pháp và cách thể hiện hình họa của cá nhân. Phạm Trần Quân đã đi từ phong cách hiện thực, sau đó đến trừu tượng và giờ là biểu hiện trừu tượng. 

Hiện nay, anh vẫn đang thực hiện song hành công việc của một võ sư và một họa sỹ. Hỏi chuyện anh, cùng lúc làm hai công việc mà nghề nào cũng đòi hỏi sự dày công, anh có thấy mệt không?

Phạm Trần Quân trả lời rất rành rẽ rằng, trong cuộc đời này, được làm điều mình yêu thích và say mê với nó đã là điều may mắn. Và khi có tình yêu với công việc, anh không thấy mệt mỏi hay vì bận rộn mà lơ là một trong hai lĩnh vực này. 

Phạm Trần Quân cũng chia sẻ, với võ, anh đã được thử sức ở đấu trường quốc tế nhưng với vẽ, anh mới chỉ có các cuộc giới thiệu tác phẩm ở trong nước. Vì vậy, anh hy vọng, trong một dịp gần nhất, Trần Quân sẽ được đưa tác phẩm hội họa đi Tây để thử sức trước một sân chơi rộng lớn và mang tầm quốc tế.