Vợ, chồng phạm nhân được gặp nhau trong 24h là điều tốt và nhân văn

ANTD.VN -  Đó là quan điểm của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ( Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) trả lời phỏng vấn phóng viên Báo ANTĐ bên hành lang Quốc hội về Dự thảo Thông tư "Quy định việc phạm nhân gặp thân nhân nhận, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân" công bố mới đây.

Vợ, chồng phạm nhân được gặp nhau trong 24h là điều tốt và nhân văn ảnh 1

Vợ, chồng phạm nhân được gặp nhau trong phòng hạnh phúc 24h sẽ là điều tốt và nhăn văn – Ảnh Zing.vn

Tạo tác động tích cực đến phạm nhân

Mới đây, Bộ Công an công bố dự thảo Thông tư "Quy định việc phạm nhân gặp thân nhân nhận, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân". Dự thảo của Thông tư này quy định, cho phép nữ phạm nhân được gặp chồng ở phòng hạnh phúc không quá 24 giờ, nhưng phải cam kết không mang thai.

 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Đoàn ĐB tỉnh Bình Dương) cho biết, “Tôi ủng hộ việc Bộ Công an đề xuất để tổ chức cho nữ phạm nhân, người cải tạo tốt được bình chọn được thăm, nghỉ ở phòng hạnh phúc cùng chồng. Việc này là thực hiện Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Đặc biệt vừa rồi chúng ta ban hành Luật Tạm giữ, tạm giam và thực hiện các chính sách nhân dân đạo đối với người tạm giữ, tạm giam và thi hành án”.

“Việc cho vợ, chồng phạm nhân (trong đó cụ thể là phạm nhân nữ) được gặp nhau trong phòng hạnh phúc không quá 24 giờ, là điều tốt và nhân văn. Việc này, một mặt động viên người phạm tội, nhất là phạm nhân sẽ tích cực cải tạo để sớm hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó sẽ động viên gia đình nữ phạm nhân làm sao để quan tâm đến việc giáo dục cải tạo đối với nữ phạm nhân đó. Còn xét ở góc độ hôn nhân gia đình, tôi nghĩ việc này tạo điều kiện để giữ hôn nhân gia đình dù trắc trở, tránh trường hợp nữ phạm nhân khi đang thi hành án, chồng xin ly hôn”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng nhận định.        

Có chắc “cam kết” không để mang thai?

Cùng quan điểm trên, ĐBQH, Luật sư Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Đoàn ĐB TP. Hà Nội) cho rằng, “Chúng ta cũng cần phải có quy định pháp luật mang tính nhân văn tạo điều kiện cho phạm nhân yên tâm lao động cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Bản thân họ khi vi phạm pháp luật hình sự đã bị hạn chế một số quyền nhưng không phải là tất cả.

“Đảm bảo quyền sống, quyền sinh hoạt bình thường trong trại cải tạo trong đó có quyền vợ chồng cần được chia sẻ. Điều này là cần thiết và nhân đạo của nhà nước ta. Tuy nhiên, tôi cũng còn một số băn khoăn với dự thảo Thông tư này như việc “cam kết” việc cho nữ phậm nhân gặp chồng ở phòng hạnh phúc trong 24h nhưng không mang thai? Bởi không thể nói là sẽ không thể xảy ra. Còn nếu công khai như bây giờ mà họ cam kết không có thai thì đây cũng là một biện pháp tốt nhưng chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ hơn về chế độ nữ phạm nhân gặp chồng ở phòng hạnh phúc không quá 24 giờ”, ĐB Nguyễn Chiến chia sẻ.

Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho biết, đối với nam phạm nhân thì không có gì e ngại nhưng đối với nữ phạm nhân thì chúng ta phải nghiên cứu, có các phương pháp, tổ chức thực hiện để đảm bảo mang tính khả thi hơn. Về vấn đề cam kết “tránh thai” của nữ phạm nhân khi gặp chồng,

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Chiến cũng bày tỏ quan điểm của mình về dự thảo Thông tư này, nếu thực sự là quyền cho người ta thăm gặp thì cần cách hiểu và cách tiếp cận khác hơn. Đối với một phạm nhân trong quá trình cải tạo tốt có nghĩa là người ta không vi phạm. Họ cần được tạo điều kiện thăm gặp.

Dự thảo Thông tư nêu rõ, nếu cải tạo tốt, lập thành tích thì sẽ được thưởng cho thăm gặp. Việc này tôi cho rằng, cần có sự bình đẳng giữa các phạm nhân với nhau. Như thế nào là lập công, như thế nào là cải tạo tốt thì đặt ra một chế định, rồi lại xem xét và rất dễ tạo ra tiêu cực xin – cho. Nếu như vậy thì dự thảo sẽ không đạt được như chúng ta đang cải cách vì đã là quyền thì phải tạo điều kiện một cách công bằng.