VNBA: Các ngân hàng hoang mang, lo lắng vì không được Tổng cục Thuế hướng dẫn khai, nộp thuế L/C

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiệp hội Ngân hàng cho rằng Tổng cục Thuế đã không có hướng dẫn cụ thể về kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng đối với nghiệp vụ L/C, gây tâm lý rất hoang mang, lo lắng cho các tổ chức tín dụng trong thực hiện quy định pháp luật thuế.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, Hiệp hội này vừa tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về việc tháo gỡ vướng mắc trong triển khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C).

Ngân hàng hoang mang vì không được hướng dẫn

Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng cho hay: Ngày 12/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 324/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế GTGT đối với hoạt động L/C, trong đó, giao Bộ Tài chính căn cứ quy định của Luật thuế GTGT, Luật các TCTD 2010 và pháp luật liên quan thực hiện thu thuế GTGT đối với hoạt động L/C. Đồng thời, xem xét, xử lý việc vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tiền thuế GTGT đối với hoạt động L/C...

Sau đó, Hiệp hội đã có công văn vào ngày 9/11/2023 gửi Bộ Tài chính báo cáo khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị một số giải pháp để thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, ngày 30/11/2023, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 5366/TCT-DNL gửi các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (TCTD) và ngày 18/12/2023, tiếp tục có Công văn số 5472/TCT-DNL gửi Hiệp hội Ngân hàng.

Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong các văn bản trên, Tổng cục Thuế đề nghị các TCTD có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C theo đúng quy định của Luật thuế GTGT, Luật các TCTD năm 2010 và pháp luật có liên quan… mà không có hướng dẫn cụ thể, đã gây tâm lý rất hoang mang, lo lắng cho các TCTD trong thực hiện quy định pháp luật thuế.

Hiện Hiệp hội Ngân hàng cho hay, tiếp tục nhận được rất nhiều phản ánh về vướng mắc trong triển khai nộp thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C.

Trong đó, về nguồn nộp thuế, hạch toán tiền nộp thuế, Hiệp hội cho rằng về bản chất, thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế là khách hàng. Trường hợp phải nộp bổ sung số thuế GTGT thư tín dụng đã phát sinh thì Ngân hàng phải thực hiện liên hệ và thu lại từ khách hàng.

Tuy nhiên, việc thu từ khách hàng là không thể thực hiện được do Khách hàng không đồng ý truy thu, không còn giao dịch với ngân hàng hoặc khách hàng đã giải thể/phá sản/không còn tồn tại…

Các ngân hàng bị truy thu thuế L/C

Các ngân hàng bị truy thu thuế L/C

Về việc kê khai bổ sung hồ sơ thuế, theo Hiệp hội, thời hạn kê khai bổ sung theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế được hiểu là từ thời điểm có hiệu lực của Luật Tổ chức tín dụng 2010 (tháng 1/2011).

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành (tại khoản 1 điều 47 Luật Quản lý thuế 2019) thì thời hạn để người nộp thuế kê khai tính nộp bổ sung thuế là 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Như vậy, Hiệp hội cho rằng các ngân hàng bắt đầu kê khai, nộp bổ sung thuế GTGT hoạt động L/C bắt đầu từ tháng 11/2013 (tính từ ngày hết hạn nộp tờ khai thuế GTGT của Tháng 11/2013), không phải từ tháng 1/2011.

Về việc kê khai, tính nộp nộp thuế tại các đơn vị, VNBA cho rằng thuế GTGT là thuế nộp theo tháng nên các ngân hàng phải kê khai bổ sung theo tháng. Việc này dẫn tới phát sinh một khối lượng công việc rất lớn cho các ngân hàng do phải rà soát hồ sơ và số liệu trong nhiều năm do các đơn vị cũng đã qua nhiều lần chia tách, sáp nhập.

Bên cạnh đó, số lượng tờ khai bổ sung, các bảng kê chi tiết theo quy định tại các đơn vị phát sinh nghĩa vụ nộp thuế GTGT hoạt động L/C rất lớn. Chỉ tính riêng Vietcombank phải khai bổ sung 120 tờ khai thuế tháng với 1 đơn vị. Theo đó, 126 đơn vị của Ngân hàng này sẽ phải khai bổ sung 15.120 tờ khai thuế.

Về cách tính thuế GTGT: Theo Kiểm toán Nhà nước trong thời gian gần đây, khi thực hiện kiểm toán tại một số ngân hàng như: Vietcombank, Vietinbank… cho rằng: Phí thanh toán trước hạn (L/C nội địa, L/C xuất khẩu, EPLC) có bản chất là cho vay nên không chịu thuế GTGT;

Đối với sản phẩm UPAS L/C, ngân hàng chỉ hưởng lợi từ phần chênh lệch giữa doanh thu phí L/C (thu được từ khách hàng) và chi phí bỏ ra (số tiền lãi trả ngân hàng tài trợ và thuế nhà thầu phải nộp) và cho phép bù trừ doanh thu phí với số tiền lãi trả ngân hàng tài trợ và thuế nhà thầu).

Vì vậy, với số liệu năm 2020, 2021, 2022, Kiểm toán Nhà nước đã loại trừ các khoản phí này khi tính thuế GTGT bổ sung và một số ngân hàng đã nộp bổ sung thuế GTGT theo số liệu mà Kiểm toán Nhà nước tính (do báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có giá trị bắt buộc thực hiện).

Đề xuất gỡ vướng

Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ:

Thứ nhất, cho phép các TCTD bắt đầu kê khai, nộp bổ sung thuế GTGT đối với hoạt động L/C kể từ kỳ thuế GTGT tháng 11/2013 theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế 2019.

Thứ hai, cho phép TCTD hạch toán số tiền thuế GTGT đối với hoạt động LC truy thu từ năm 2013 đến nay vào chi phí bất thường trong năm thực hiện và được hạch toán giảm lợi nhuận do khoản thuế này là nghĩa vụ của khách hàng mà ngân hàng không thể thu hồi lại được từ khách hàng.

Thứ ba, cho phép TCTD kê khai thuế GTGT bổ sung theo từng năm, không phải kê khai điều chỉnh tờ khai của từng tháng

Thứ tư, cho phép TCTD nộp thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính, không phải kê khai và nộp thuế về cục thuế địa phương. Trường hợp cần điều tiết về cục thuế địa phương, Tổng cục Thuế thực hiện điều tiết về cục thuế địa phương.

Thứ năm, không xử phạt chậm nộp thuế GTGT cũng như phạt vi phạm hành chính do đây không phải là lỗi của các TCTD, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế theo khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý Thuế 2019.