Việt Nam tự tin hướng tới kỷ nguyên thông minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng, Việt Nam có bản lĩnh, tự tin để đi lên, vượt qua giới hạn của chính mình" để tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh - kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể.

Kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người

Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân dịp sang Việt Nam dự giao lưu, đối thoại với sinh viên các trường đại học về chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ” đã bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước sự năng động, mau chóng bắt kịp xu thế công nghệ thông minh của thế hệ trẻ Việt Nam. Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, đây là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn Việt Nam cần tiếp tục phát huy để đạt được các mục tiêu phát triển chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Giáo sư Klaus Schwab tới giao lưu đối thoại với sinh viên các trường đại học

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Giáo sư Klaus Schwab tới giao lưu đối thoại với sinh viên các trường đại học

Trong không khí thân tình, cởi mở, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Giáo sư Klaus Schwab trao đổi về những xu thế phát triển mới, định hình “kỷ nguyên thông minh”, sự phát triển, triển vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF. Thủ tướng đánh giá cao tầm nhìn sâu rộng, chiến lược của Giáo sư Schwab khi sáng lập WEF vào năm 1971. Qua hơn 50 năm, Diễn đàn đã khẳng định vai trò, uy tín hàng đầu trên thế giới, không chỉ khởi xướng, nắm bắt những xu hướng mới toàn cầu mà luôn đi đầu đề xuất những giải pháp tương lai.

Thủ tướng cho rằng, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại thành phố Hồ Chí Minh vừa khánh thành hôm 25-9 và qua tham gia vào mạng lưới 19 Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF trên toàn cầu và thứ 2 tại Đông Nam Á đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - WEF. Người đứng đầu Chính phủ ta đề nghị, WEF tích cực đồng hành, hợp tác với Việt Nam đưa Trung tâm trở thành một trong những hình mẫu của trong mạng lưới WEF, động lực thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Giáo sư Klaus Schwab và WEF tiếp tục kết nối Việt Nam với các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu, hỗ trợ thu hút đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. Thủ tướng cũng đề nghị WEF hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ phát triển và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thông minh cũng là nội dung bao trùm trong cuộc giao lưu, đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch WEF Klaus Schwab với sinh viên các trường đại học của Việt Nam về chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ”. Cuộc đối thoại tập trung vào những xu thế định hình kỷ nguyên thông minh của nhân loại; cơ hội, thách thức và định vị Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới; yêu cầu đặt ra đối với thế hệ trẻ để nắm bắt những xu thế thời đại, phát huy vai trò tiên phong đóng góp cho phát triển đất nước.

Đề cập tới chủ đề cho Hội nghị WEF Davos năm 2025 sắp tới tại Davos (Thụy Sĩ) là “Định hình kỷ nguyên thông minh”, Thủ tướng đánh giá đây là nội dung mang tầm thời đại, là vấn đề thế giới phải nghiên cứu, thích ứng và làm chủ. Theo Thủ tướng, sự thông minh không chỉ đơn thuần là sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới mà còn gắn kết, cộng hưởng ở nhiều khía cạnh rộng lớn khác và kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể”.

Phát huy những lợi thế cạnh tranh lớn

Hiện nay, phát triển bền vững, bao trùm trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của thế giới. Hơn lúc nào hết, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững là vấn đề có tính toàn cầu, tác động đến toàn dân, toàn diện, đến mọi hoạt động của con người, mọi quốc gia. Vì vậy, thế giới cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế để thúc đẩy và mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kỷ nguyên thông minh mang lại.

Để bắt kịp và bước vào kỷ nguyên thông minh đối với một quốc gia phát triển đã khó, càng khó hơn với một quốc đang phát triển, có mức thu nhập trung bình, trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh liên miên cũng như bị bao vây cấm vận như Việt Nam. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là: Khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; quy mô kinh tế, nguồn lực còn hạn chế, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; và biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng.

Tuy nhiên, với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn có những cơ hội, như cơ hội của người đi sau có điều kiện đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất. Ngoài ra là lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của các sinh viên, thanh niên; cũng như hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương vốn là những xu thế không thể đảo ngược.

Còn nhiều khó khăn, thách thức song chúng ta tin tưởng hoàn toàn có thể bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thông minh. Từ một nền kinh tế kém phát triển bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên từ một thành nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, hiện đứng thứ 34 trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam ngày trở thành quốc gia có chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển. Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam ngày nay thực sự là một đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tích cực đóng góp vào quá trình giải quyết các thách thức chung của thế giới và khu vực.

Hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thông minh, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tới năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cả dân tộc phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), huy động mọi nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khai thác nguồn lực nội sinh (thiên nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử, con người), đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, lấy nguồn lực bên ngoài (vốn, quản trị, công nghệ, đào tạo nhân lực…) là quan trọng, đột phá.

Người đứng đầu Chính phủ nước ta bày tỏ, rất tâm đắc với chia sẻ của Giáo sư Klaus Schwab về bản lĩnh Việt Nam. Đó là với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng, chúng ta có bản lĩnh, tự tin để đi lên, vượt qua giới hạn của chính mình”.

Giáo sư Klaus Schwab bày tỏ tin tưởng vào tương lai phát triển của Việt Nam, khẳng định với triển vọng cùng những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật, Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế 2.000 tỷ USD vào năm 2050. Đặc biệt, nhà sáng lập WEF ấn tượng sâu sắc trước sự năng động, mau chóng bắt kịp xu thế công nghệ thông minh của thế hệ trẻ Việt Nam, cho rằng đây là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn Việt Nam cần tiếp tục phát huy để đạt được các mục tiêu phát triển chiến lược, hướng tới kỷ nguyên thông minh.