Việt Nam thế kỷ 17: Những góc nhìn từ bên ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài  là cuốn sách tổng hợp hai tác phẩm viết về Việt Nam sớm nhất bằng tiếng Anh, bao gồm: “ Ký sự xứ Đàng Trong” của Cha xứ Christoforo Borri và “ Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” của thương nhân Samuel Baron được hai nhà Việt Nam học là Olga Dror và K. W. Taylor tìm hiểu, giới thiệu và chú giải. Tác phẩm xuất bản lần đầu năm 2006 và nay đã có mặt tại Việt Nam với phiên bản tiếng Việt.

Ý tưởng hình thành nên cuốn Việt Nam thế kỷ XVII xuất phát từ thực trạng giai đoạn này được xem như “khoảng trắng” trong lịch sử Việt Nam. Tình hình chiến sự và chính trị khốc liệt dai dẳng giữa các thế lực khiến cho ngày nay còn lại rất ít văn bản ghi chép chính thống và phi chính thống của chính người Việt về Việt Nam thế kỷ XVII. Tuy thiếu vắng tư liệu bản địa song nguồn tài liệu về hai Đàng được ghi lại bởi người phương Tây lại đặc biệt phong phú. Trong đó nổi bật nhất là các tập bút ký của Christoforo Borri và Samuel Baron, với nhiều thông tin và mô tả giúp người đọc dựng nên bức tranh vừa toàn cảnh lại vừa có tính đối sánh về hai Đàng thời bấy giờ.

Vào năm 1631, Christoforo Borri (1583 – 1632) là người châu Âu đầu tiên xuất bản tài liệu về xứ Đàng Trong. Kể từ đó, cuốn sách của ông với tên Ký sự xứ Đàng Trong đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau, khơi gợi được sự tò mò của người đọc và là nguồn sử liệu tối cần thiết cho những ai quan tâm nghiên cứu về Việt Nam thế kỷ XVII.

Những ghi chép của các nhà ngoại quốc đã cung cấp cho bạn đọc ngày nay cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam thế kỷ 17

Những ghi chép của các nhà ngoại quốc đã cung cấp cho bạn đọc ngày nay cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam thế kỷ 17

Christoforo Borri có khoảng 5 năm cư ngụ tại xứ Đàng Trong trong giai đoạn 1618-1622. Ông là người thông thạo tiếng Việt, truyền giáo và du ngoạn khắp xứ, quen biết với đủ mọi tầng lớp xã hội, thế nên ông đã viết cuốn sách này không phải dưới góc nhìn của một du khách mà là với tư cách một cư dân xứ Đàng Trong.

Ngược lại, có rất ít thông tin về cuộc đời của Samuel Baron, ngoài một vài chi tiết được nhắc đến trong báo cáo của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Ngoài ra, người ta không tìm thấy thêm thông tin nào về ông trừ cuốn sách ông viết về Đàng Ngoài.

Cuốn sách này rất đáng chú ý vì đã trình bày chi tiết, cặn kẽ về cuộc sống của người dân Đàng Ngoài cũng như chính thể, xã hội, văn hóa và tôn giáo nơi đây. Baron vốn sinh ra tại Hà Nội trong khoảng cuối những năm 1630 đến đầu những năm 1640, có cha là người Âu còn mẹ là người Việt. Ông sinh sống và lớn lên giữa cộng đồng thương nhân Hà Lan cùng những người vợ bản xứ của họ. Baron cũng là thương nhân ở Đàng Ngoài trong khoảng thời gian 1670-1680.

Trong con mắt của người châu Âu thế kỷ XVII, Đàng Trong-Đàng Ngoài là hai quốc gia độc lập với thiết chế nhà nước, kinh tế, xã hội và văn hóa riêng biệt. Họ hiểu rằng hai quốc gia này có mối liên hệ với nhau về mặt ngôn ngữ, ký ức lịch sử được lưu giữ bởi tầng lớp trí thức và tinh thần trung quân dành cho đấng quân vương không có thực quyền.

Cuốn sách được tập hợp từ những ghi chép của Cha xứ Christoforo Borri và thương nhân Samuel Baron

Cuốn sách được tập hợp từ những ghi chép của Cha xứ Christoforo Borri và thương nhân Samuel Baron

Những ghi chép của Borri và Baron thể hiện những góc nhìn sắc sảo khác nhau về dân chúng Đàng Trong và Đàng Ngoài. Theo Borri, người Đàng Trong có trật tự, hữu hảo, phóng khoáng, tò mò về những miền đất khác, hiếu khách trước người ngoại quốc, giỏi buôn bán giao thiệp, giàu có phát đạt, có tiếng nói tương đối dễ học. Còn theo Baron, người Đàng Ngoài kém trật tự, không mảy may hiếu kỳ trước những điều mới lạ, ngờ vực người ngoại quốc, nghèo và có tiếng nói khó học.

Những ghi chép trong sách chính là minh chứng cho sự khác biệt của hai vương quốc đồng thời thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng Borri và Baron là hai con người khác biệt với đặc điểm xuất thân, kinh nghiệm, mục đích khác nhau. Borri là người ngoại quốc sống ở Việt Nam trong khoảng thời gian không quá 5 năm, còn quê hương của Baron lại là Hà Nội, nơi ông sinh ra và lớn lên.

Có thể nói, Borri và Baron đã góp phần đưa ra những quan điểm độc đáo khi cả hai hòa mình vào bối cảnh Việt Nam thời bấy giờ, đồng thời đưa chúng ta vào các vấn đề nghị sự của xứ sở, và tuy không phải người Việt nhưng họ đều gián tiếp hé lộ những ví dụ cho thấy sự tiếp xúc, tương tác và trao đổi thông tin giữa người Việt và người Tây dương thuở ban đầu.