Việt Nam tạo ra “lực hấp dẫn” với các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những nỗ lực liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, trong khi các nhà đầu tư ở châu Âu và Mỹ đang thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng cùng thị trường đầu tư tiềm năng, an toàn… là những yếu tố đang khiến Việt Nam tạo ra “lực hấp dẫn” với giới đầu tư ở hai trung tâm kinh tế lớn hàng đầu thế giới này.

Sức hấp dẫn từ thị trường mới nổi

Trang mạng DW.com của Đức mới đây cho biết, các công ty Đan Mạch đang gia tăng khá nhanh sự hiện diện của họ tại Việt Nam. Theo trang mạng của hãng truyền thông lớn này của Đức, các công ty Đan Mạnh tăng đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh đất nước Đông Nam Á đang nhanh chóng tăng lên về giá trị gia tăng và trở thành trung tâm sản xuất công nghệ chính ở khu vực.

Theo đó, tính tới thời điểm hiện nay, Đan Mạch đã vượt lên trở thành nhà đầu tư lớn tại Việt Nam khi Tập đoàn đồ chơi LEGO của nước này cam kết đầu tư trị giá 1 tỷ USD (tương đương 1,01 tỷ euro) để xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam. Đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của “gã khổng lồ” này.

Tập đoàn Orsted của Đan Mạch cam kết đầu tư tới hơn 13 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo ở 2 tỉnh Nam Trung bộ của Việt Nam

Tập đoàn Orsted của Đan Mạch cam kết đầu tư tới hơn 13 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo ở 2 tỉnh Nam Trung bộ của Việt Nam

Tập đoàn năng lượng lớn nhất của Đan Mạch là Orsted cũng đã cam kết đầu tư tới 13,6 tỷ USD cho trang trại điện gió công suất 3,9 gigawatt (GW) ở hai tỉnh Nam Trung bộ Bình Thuận và Ninh Thuận. Theo đại diện của tập đoàn Orsted, các dự án đầu tiên liên quan đến khoản đầu tư này sẽ bắt đầu sản xuất điện vào năm 2030. Trước đó, tháng 8 vừa qua, tập đoàn Orsted đã ký thỏa thuận với một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) về hợp tác trong một số dự án năng lượng tái tạo.

Nhìn nhận về xu hướng các doanh nghiệp Đan Mạch đang gia tăng đầu tư tại Việt Nam, Trưởng phòng Thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam Troels Jakobsen cho biết, số công ty Đan Mạch ở Việt Nam nhiều gấp đôi số công ty của các nước Bắc Âu khác cộng lại và Việt Nam hiện xếp tốp đầu trong danh sách mà các công ty Đan Mạch mong muốn mở rộng ở châu Á nhằm hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, theo ông Troels Jakobsen, Đan Mạch và Việt Nam có mối quan hệ rất mật thiết và năm ngoái hai nước đã cùng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, vì vậy Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư lớn của các công ty Đan Mạch.

Cũng như Đan Mạch, nhiều tập đoàn, công ty châu Âu cũng đang ngày càng quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tăng trở lại ở mức cao nhất sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Theo đó, chỉ số BCI trong quý đầu tiên của năm 2022 đã tăng lên 73, đạt điểm cao nhất sau đợt thứ tư của đại dịch.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) là nhà đầu tư lớn thứ 6 ở Việt Nam và Việt Nam cũng là một đối tác kinh tế thương mại quan trọng của EU. Các doanh nghiệp châu Âu bày tỏ lạc quan sau khi Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch và tiếp tục tăng tốc phát triển kinh tế. Hơn 2/3 doanh nghiệp châu Âu bày tỏ tin tưởng vào khả năng nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong những tháng tới.

Chung nhìn nhận về triển vọng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các tập đoàn của Mỹ, trong đó đáng chú ý là các tập đoàn công nghệ, đang triển khai nhiều dự án lớn tại nước ta. Tập đoàn khổng lồ về công nghệ Apple của Mỹ vào tháng 8 vừa qua đã thông báo rằng sẽ bắt đầu sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam. Tập đoàn Foxconn - một doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng của Apple - đã quyết định đầu tư 300 triệu USD xây thêm nhà máy mới ở Bắc Giang. Foxconn trước đó cho biết, sẽ đầu tư thêm khoảng 700 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng sản xuất với kỳ vọng mang về doanh thu khoảng 10 tỉ USD trong những năm tới.

Động lực cho sự phát triển nền kinh tế

Đề cập tới sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ, chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á mới nổi của Ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp Pháp Natixis cho biết, sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Việt Nam đã nhanh chóng leo thang giá trị gia tăng và đang tăng trở thành trung tâm quan trọng cho đầu tư, sản xuất công nghệ.

Trong Báo cáo cập nhật mới nhất công bố tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi bất chấp lạm phát toàn cầu tăng cao cũng như tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính. Theo các chuyên gia của WB, sản xuất công nghiệp - một trong những động lực chính của nền kinh tế tiếp tục cho thấy đà phục hồi. Cụ thể, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ lại ghi nhận thêm một tháng tăng trưởng cao 15,6% và 50,2% so cùng kỳ năm trước.

Cũng theo WB, các lĩnh vực năng động nhất bao gồm hàng điện tử, tăng 12% so tháng trước; và phương tiện vận tải, tăng 15,7% so tháng trước. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực chế tạo chế biến của Việt Nam tăng từ 51,2% trong tháng 7 lên 52,7% trong tháng 8, ghi nhận 11 tháng tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến.

Đặc biệt, sức hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư châu Âu gia tăng mạnh mẽ sau khi Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8-2020. Kể từ đó, thương mại và đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam đã bùng nổ mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa EU và Việt Nam đã tăng tới 14,3% trong năm 2021, lên mức 63,6 tỷ USD. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU tăng 15 % so với cùng kỳ năm ngoái và ghi nhận mức xuất siêu của Việt Nam sang EU tăng gần 40%. EU hiện là nhà đầu tư lớn thứ 6 ở Việt Nam và Việt Nam cũng là một đối tác kinh tế thương mại quan trọng của EU.

Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu và rộng nhưng đồng thời vẫn đảm bảo sự cân bằng lợi ích cho cả hai bên, EVFTA được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU. Theo các cam kết trong hiệp định, EVFTA loại bỏ gần như tất cả các loại thuế quan giữa EU và Việt Nam. 65% giá trị hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam sẽ được loại bỏ vào thời điểm FTA có hiệu lực, với các mức thuế còn lại sẽ được loại bỏ dần trong thập kỷ tiếp theo. Trong khi đó, 71% hàng hóa nhập khẩu của EU từ Việt Nam được miễn thuế và con số này sẽ tăng lên hơn 99% trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Tính đến nay, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ... Hiệp định thương mại thế hệ mới ký với đối tác kinh tế lớn như EU cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hóa, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hóa hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Theo đó, chất lượng đầu tư nước ngoài đã được cải thiện khi đầu tư có chiều sâu vào thị trường Việt Nam, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.