Việt Nam - “Ngôi sao” tăng trưởng trong ASEAN

ANTD.VN - Với tốc độ tăng trưởng dự báo lên tới khoảng 7% trong năm 2024, kinh tế Việt Nam trở thành điểm sáng được chú ý khi có tốc độ tăng trưởng nhanh bậc nhất trong nhóm 6 nền kinh tế lớn của ASEAN.

Tăng trưởng cao nhất trong nhóm ASEAN-6

Hãng dự báo kinh tế toàn cầu Oxford Economics vừa đưa ra dự báo mới nhất cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn so với nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-6, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) trong những năm tới. Theo đó, Oxford Economics nhận định GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% năm 2024 và 6,5% cho năm 2025.

Đầu tư FDI nhất là vào các ngành công nghệ cao như bán dẫn AI đã góp phần tạo tăng trưởng cao cho kinh tế Việt Nam

Nhận định của hãng dự báo kinh tế hàng đầu thế giới Oxford Economics tương đồng với nhìn nhận của nhiều định chế, tổ chức tài chính về nền kinh tế Việt Nam và khu vực trong năm 2024. Trong đó, theo thống kê của Ban Thư ký ASEAN tại Báo cáo tóm tắt Hội nhập kinh tế ASEAN năm 2024, các nền kinh tế Hiệp hội dự báo có sự tăng trưởng nhẹ trong năm nay so với dự báo đưa ra trước đó, ước đạt 4,6% và tiếp tục tăng lên 4,7% vào năm 2025.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trước đó đã nâng dự báo của Việt Nam lên 6,4% năm nay và 6,6% năm 2025. HSBC cũng tin tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 7% và 6,5% cho năm 2025, cao nhất trong ASEAN-6. Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025. Trong khi đó, UOB dự đoán tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 là 6,6%, cao nhất ASEAN-6.

Trong báo cáo nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô một năm qua cũng như điểm qua triển vọng cho năm 2025 sắp tới công bố ngày 20-12, nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá, kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm kinh tế với nhiều nốt thăng trầm. Đã có những lo ngại rằng tác động của bão Yagi (bão số 3), cơn bão mạnh nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong 70 năm qua, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Các thống kê cho thấy, các tỉnh phía Bắc Việt Nam bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề vào đầu tháng 9 với thiệt hại ước tính lên tới hơn 3 tỷ USD.

Sau khởi đầu khó khăn trong quý I-2024 cũng như chịu tác động của thiên tai, bức tranh kinh tế của Việt Nam đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một “ngôi sao” tăng trưởng trong khối ASEAN. Theo các chuyên gia HSBC, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam được cải thiện và bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9% trong quý II và 7,4% trong quý III năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.

Ông Andrea Coppola - chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia - trong trả lời báo chí được đăng tải ngày 20-12 đã nêu rõ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với những bất ổn địa chính trị, lạm phát và thiên tai, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trong năm 2024. Ông Andrea Coppola đã đặc biệt muốn nhấn mạnh rằng, trong năm 2024, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Theo vị chuyên gia kinh tế trưởng này, đây là một thành tựu đáng khen ngợi của Việt Nam và ông tin rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục trong năm 2025.

Những số liệu chính thức của nước ta cũng cho thấy bức tranh tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2024. Theo cơ quan thống kê, tăng trưởng cả năm của kinh tế nước ta ước đạt trên 7%. Tốc độ này thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, trong khi kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Những động lực tăng trưởng của Việt Nam

Khi đưa ra những đánh giá lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, hãng Oxford Economics đã chỉ ra nhiều động lực tăng trưởng của Việt Nam và đặc biệt lưu ý về tiềm năng rộng mở với “những luồng gió mới” trong ngành sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Oxford Economics, động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam trong năm tới vẫn sẽ là xuất khẩu hàng chế biến và chế tạo.

Tiêu dùng tư nhân và hoạt động của doanh nghiệp nội địa đang phục hồi chắc chắn. Tăng trưởng tiêu dùng trong nước đã trở lại mức trước đại dịch Covid-19 nhờ tăng trưởng lương năm 2025, chủ yếu trong khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngành du lịch cũng là một động lực quan trọng, dù mức độ đóng góp có thể ít hơn năm 2024. Trong năm 2023, ngành du lịch đóng góp 6,6% GDP danh nghĩa. Việt Nam đứng thứ hai ở châu Á, sau Nhật Bản, về mức độ hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành du lịch trong năm nay. Hiệu ứng gia tăng từ thu nhập liên quan đến du lịch sẽ giúp tiêu dùng trong nước tăng theo.

Oxford Economics rất ấn tượng trước khả năng thu hút đầu tư công nghệ cao của Việt Nam cũng như đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng. Theo đó, Việt Nam còn được biết đến là trung tâm đóng gói, kiểm thử (APT) của ngành chip bán dẫn. Trong đó có 2 nhà máy tiêu biểu thuộc Intel và Amkor Technology. Đánh giá nhu cầu chíp toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới nhưng vẫn đóng vai trò tích cực. Oxford Economics dự báo, sang năm 2025 sẽ có những động lực mới cho ngành chế biến chế tạo. Đó là những lĩnh vực liên quan đến AI như tăng đầu tư cho trung tâm dữ liệu trên toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu lớn khác như máy móc và thiết bị điện, dệt may, và nông sản được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Các nhà nghiên cứu thuộc Oxford Economics cho rằng, chính sách tài khóa nới lỏng của Mỹ cũng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong năm sau vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo nhìn nhận của Oxford Economics, tăng trưởng về dòng vốn ngoại vào Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì với kỳ vọng tăng trưởng đầu tư FDI trong năm 2025 đạt mức 7,2%, cao hơn mức 6,9% được dự báo cho năm nay.

Các tổ chức, giới chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ đánh giá của Oxford Economics, đồng thời nhấn mạnh về những nỗ lực cải cách liên tục của Việt Nam nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng là sự cải cách kinh tế toàn diện. Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, việc tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam có thể vượt Indonesia về GDP bình quân đầu người vào năm 2026, với mức 6.140 USD/người. Điều này sẽ đưa Việt Nam lên vị trí thứ 4 trong nhóm ASEAN-6, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. IMF cho rằng, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, đồng thời cải thiện các yếu tố kinh tế khác như đầu tư công và tư, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.