- Đóng góp thiết thực của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu
- Tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 - đóng góp thiết thực của Việt Nam với khu vực
- Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy quyền con người
Toàn cảnh Diễn đàn nhân dân ASEAN 2020 tại Hà Nội |
Quá trình gắn kết và tương hỗ Việt Nam - ASEAN
Ngày 28-7-1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh dấu bước đi đầu tiên của đất nước trong hành trình hội nhập khu vực và thế giới. 29 năm tham gia của Việt Nam không phải quãng thời gian dài, nhưng đây là giai đoạn gắn với những bước phát triển đầy ý nghĩa của Hiệp hội cũng như của đất nước. Đó là một quá trình gắn kết và tương hỗ, ASEAN lớn mạnh gắn liền với Việt Nam và Việt Nam phát triển có hình ảnh của ASEAN.
Với việc Việt Nam gia nhập ASEAN và tiếp đó là sự hình thành ASEAN - 10, cục diện Đông Nam Á đã thay đổi căn bản. Từ một khu vực nghèo đói, đầy chia rẽ, nhiều xung đột trở thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển với ASEAN ở vị trí trung tâm, là cầu nối cho sự đoàn kết, hòa thuận của các nước thành viên và hòa hiếu với các đối tác. Còn với Việt Nam, từ một nước khởi đầu muộn, từng bước học hỏi, làm quen, chúng ta đã nỗ lực vươn lên trở thành thành viên nòng cốt, có đóng góp quan trọng, mang đậm dấu ấn trong tiến trình liên kết, hợp tác ASEAN.
Với phương châm chủ động, tích cực, có trách nhiệm, trong suốt chặng đường đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN. Từ những ngày đầu “bỡ ngỡ” khi mới gia nhập ASEAN, đến nay Việt Nam đã dần vươn lên để đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong nhiều vấn đề quan trọng của ASEAN, đặc biệt là liên quan đến vấn đề hòa bình, ổn định và lợi ích sát sườn đối với khối. Qua đó khẳng định hình ảnh một thành viên chủ động, uy tín và trách nhiệm, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam, đồng thời tranh thủ hiệu quả nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Điểm nhấn quan trọng đánh dấu sự trưởng thành vững vàng và đóng góp thiết thực của Việt Nam trong ASEAN là các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN mà Việt Nam đảm nhiệm. Hàng loạt sáng kiến đã được Việt Nam đưa ra và sau đó đi vào hiện thực như Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển, Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), Kế hoạch tổng thể đầu tiên về kết nối ASEAN, mở rộng cơ chế Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia cũng như hình thành khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác thông qua cơ chế Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)...
Trên bình diện kinh tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia tiến trình liên kết kinh tế ASEAN ngay từ đầu trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ; tích cực tham gia xây dựng các quy định, thỏa thuận quan trọng của ASEAN cũng như việc thực hiện những cam kết theo lộ trình đã định sẵn. Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế (AEC) năm 2015 (với tỷ lệ 95,5%, đứng thứ hai sau Singapore). Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu trong triển khai/thí điểm các biện pháp về thuận lợi thương mại, như cơ chế một cửa ASEAN, tự chứng nhận xuất xứ, cơ sở dữ liệu thương mại...
Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam còn khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác. Điều này được thể hiện thông qua việc sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995), chúng ta đã vận động để Lào và Campuchia được kết nạp vào tổ chức, từ đó góp phần đưa ASEAN trở thành khối thống nhất. Trong vai trò điều phối viên, Việt Nam đã góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ASEAN với nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, và từ tháng 7-2024 tiếp nhận điều phối 2 đối tác là New Zealand và Anh trong nhiệm kỳ 3 năm.
Chung tay và nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu của ASEAN
Nhìn lại gần ba thập niên tham gia ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên đặt từng viên gạch cho sự hình thành và phát triển của Cộng đồng ASEAN. Những đóng góp của Việt Nam thể hiện tinh thần nhất quán và xuyên suốt là hòa hiếu, hòa hợp, hữu nghị vì hòa bình, ổn định, phồn vinh chung. Trong giai đoạn tiếp theo, với ý thức trách nhiệm sâu sắc, tinh thần sẵn sàng gánh vác các trọng trách và tiếp nối thành quả đạt được, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay và nỗ lực cùng các nước thành viên hiện thực hóa ASEAN trở thành tâm điểm, động lực của hòa bình, hợp tác và phát triển thông qua các định hướng lớn.
Trước hết, Việt Nam sẽ thúc đẩy triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tạo cơ sở vững chắc cho ASEAN bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo; đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với tầm chiến lược dài hạn, khả thi và mang tính hành động; ưu tiên thúc đẩy các cam kết, biện pháp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, địa phương; tăng cường phối hợp liên ngành, liên trụ cột trong hợp tác nhằm tăng giá trị triển khai và hiệu ứng lan tỏa.
Định hướng tiếp theo là củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN thông qua tích cực thúc đẩy các điểm tương đồng; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của ASEAN; thúc đẩy lập trường và tiếng nói chung của ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực; nâng cao hiệu quả hoạt động và sự bổ trợ lẫn nhau của các cơ chế, diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt; thúc đẩy định hình cấu trúc khu vực dựa trên các cơ chế diễn đàn này của ASEAN.
Trên cơ sở đó, tận dụng tối đa cơ hội và lợi ích từ hợp tác ASEAN, tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác của ASEAN và đối tác phục vụ các mục tiêu phát triển của Việt Nam, trong đó có phát triển bền vững Tiểu vùng Mekong; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khai thác hiệu quả lợi ích từ các thỏa thuận, liên kết kinh tế, các hoạt động trao đổi và giao lưu nhân dân. Phấn đấu đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các vấn đề, lĩnh vực Việt Nam có lợi ích và thế mạnh, phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình bất ổn, bất an, bất định và bất trắc hiện nay, việc định hình hướng đi cho ASEAN là điều rất quan trọng. Việt Nam đã đề xuất cách tiếp cận cho ASEAN dựa trên 4 yếu tố, gồm: tầm nhìn chiến lược, đoàn kết vững vàng, vai trò trung tâm và hành động cụ thể. Việt Nam đã cùng các nước khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực, nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chất lượng, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, cũng như nỗ lực của ASEAN xây dựng Biển Đông là vùng biển của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.