Việt Nam đặt chỉ tiêu 10-15 HCV: Biến ASIAD thành “ao làng”?

ANTĐ - Thành tích của thể thao Việt Nam tại các kỳ ASIAD gần đây tụt dần đều. Vậy mà những người lập đề án ASIAD 2019 tự tin chủ nhà Việt Nam (nếu đăng cai) sẽ giành 10-15 HCV, xếp trong nhóm 6-10 quốc gia đứng đầu. Mục tiêu này có thể đạt được, bởi nước chủ nhà có quyền đưa một vài môn thế mạnh của mình vào chương trình thi đấu đại hội. Có điều, cách làm đó chẳng khác nào biến ASIAD thành “ao làng”.

Tài năng triển vọng Quách Thị Lan (điền kinh) được đầu tư tới 4 tỷ đồng 
một năm vẫn không giành nổi HCV SEA Games

Mơ hồ mục tiêu

Một trong những hạt nhân quan trọng trong đề án tổng thể đăng cai ASIAD 18 năm 2019 là đề án đào tạo VĐV. Theo bản đề án được Tổng cục TDTT xây dựng, 820,8 tỉ đồng sẽ được đầu tư từ bây giờ để tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ, 5 năm tới sẽ hoàn thành mục tiêu giành từ 10-15 HCV cho đoàn chủ nhà Việt Nam. Con số 820,8 tỉ đồng thoạt nghe có vẻ lớn, nhưng lại chẳng thấm vào đâu khi phải dàn trải trong 5 năm cho 6 nhóm VĐV gồm: Nhóm 1 là nhóm SAO (được đầu tư để giành HCV SEA Games, ASIAD, Olympic), gồm 4 môn: Bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, taekwondo. Nhóm 2 là nhóm SAQ (giành huy chương SEA Games, ASIAD và đạt chuẩn Olympic): Điền kinh, bơi lội, vật, judo, boxing… Nhóm 3 là nhóm SA (huy chương SEA Games, ASIAD): Karatedo, wushu, cầu mây... Nhóm 4 là nhóm SEA (HCV SEA Games): Cờ vua, pencak silat, billiards & snooker, rowing, canoeing, thể hình, vovinam, muay, sport    aerobic... Nhóm 5 là nhóm SPO (nhóm tiềm năng): Đấu kiếm, bắn cung, nhảy cầu, xe đạp. Nhóm 6 là nhóm SPEX (nhóm nỗ lực), gồm các môn còn có khoảng cách lớn so với trình độ thế giới: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt... 

Ngay ở đại hội cấp thấp hơn là SEA Games, số tiền ngành thể thao chi để đầu tư cho VĐV trong nhóm có khả năng tranh chấp huy chương cũng đã ngang ngửa con số 820,8 tỉ đồng. Hoặc như để chuẩn bị cho ASIAD cuối năm 2014, tiền cho riêng VĐV Ánh Viên tập huấn năm 2013 là 2 tỉ, năm 2014 là 4 tỉ mà chưa biết có thể đoạt HCV hay không. Năm 2013, VĐV điền kinh trẻ Quách Thị Lan – người được nhắm đầu tư để giành HCV điền kinh ASIAD 2019, được đầu tư gần 4 tỉ đồng thậm chí còn không thể đoạt HCV SEA Games 27. Chỉ 2 ví dụ này đã đủ thấy, số tiền 820,8 tỉ đồng đào tạo VĐV cho ASIAD không thấm vào đâu so với tham vọng đoạt 10-15 HCV đề ra. Chưa kể, để đoạt HCV châu lục không hề dễ. Đơn cử như ASIAD 17 tới đây tại Hàn Quốc, ngành thể thao chi hàng trăm tỉ đồng nuôi 64 VĐV “gà nòi” nhưng vẫn mơ hồ với mục tiêu ít ỏi: giành 2-3 HCV. Sẽ gần như không tưởng, nếu một quốc gia tăng vọt 5-7 lần thành tích giữa 2 kỳ ASIAD liền kề như cách mà người ta đang vẽ ra để mơ mộng. Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đánh giá: “Những môn chúng ta có khả năng giành huy chương thì quốc gia khác cũng rất mạnh. Mục tiêu đạt từ 10-15 HCV ở ASIAD 18 khó thực hiện được”.

Chuẩn bị ASIAD không bằng… SEA Games

Để chuẩn bị cho SEA Games 2003, thể thao Việt Nam khi đó đã có sự chuẩn bị khá kỹ, bài bản với các đề án chi tiết được phê duyệt và thực hiện ngay từ đầu những năm 1990, nghĩa là trước đại hội hơn 10 năm. Thế nhưng ở giải đấu tầm cỡ hơn là ASIAD 2019, chỉ còn 5 năm nữa sẽ diễn ra mà đến nay vẫn chưa thể khởi động. Liệu rằng trong thời gian ngắn ngủi đó, với việc phải thực hiện một loạt vấn đề như tuyển chọn, sát hạch, đào tạo, huấn luyện, tập huấn, thi đấu cọ xát, nâng cao tầm vóc, dinh dưỡng… cho các VĐV trẻ, hiệu quả có được như ý muốn? Đặc biệt, dường như cho tới thời điểm này, chưa có một thống kê hay khẳng định nào về lực lượng trẻ kế cận ở tất cả các bộ môn, chất lượng thế nào? Liệu có đủ cung ứng cho ASIAD 5 năm tới hay không? 

Giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, từng chia sẻ một thông tin đáng chú ý : “Ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 2 vạn VĐV năng khiếu tập trung. Vậy mà theo tính toán của họ, trong số này chỉ cho ra lò khoảng 5-7 VĐV có tài, có thể vươn tới những tấm HCV Olympic và khoảng gấp 10 số đó có thể đoạt vàng ASIAD”. Còn ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, chia sẻ: “Tôi từng làm việc trực tiếp nên tôi biết những VĐV đạt đẳng cấp châu lục của chúng ta rất ít. Trong khi để đào tạo ra những VĐV như thế phải mất 8-10 năm, ngay cả những VĐV trẻ xuất sắc cũng phải mất 4-6 năm. Ai cũng mong muốn nếu giải đấu diễn ra ở nước ta thì thành tích phải ở mức khá nhưng nằm trong tốp 10 ASIAD là bài toán rất nan giải và không khả thi nếu nhìn vào cách đầu tư hời hợt như hiện nay”.

Chất lượng có được nâng tầm?

Một thông tin được xem như sẽ “cứu” cho thể thao Việt Nam vớt vát giấc mơ 10-15 HCV ASIAD 2019 là việc nước chủ nhà có quyền đưa một vài môn thế mạnh của mình vào chương trình thi đấu đại hội. Đây vốn là điều không lạ ở những kỳ SEA Games mà chúng ta từng tham dự, khi chủ nhà thường đưa cả tá môn lạ vào thi đấu để thâu tóm huy chương, lấy thành tích. Chỉ khác ở sân chơi ASIAD, lệ này bị hạn chế tối đa. Được biết, một số môn như lặn, cầu chinh, vovinam… đang được ngành thể thao tính đưa vào ASIAD 2019. Nếu điều này thành hiện thực, và chúng ta vận động được một số nước cho đủ số quốc gia tham dự, có thể chỉ tiêu 10-15 HCV sẽ trong tầm tay của chủ nhà Việt Nam (trong trường hợp chúng ta tổ chức đại hội). Có điều, cách làm đó chẳng khác nào biến ASIAD thành “ao làng” SEA Games - giải đấu vốn đang bị truyền thông khu vực lên án gay gắt thời gian qua bởi những hạn chế trong xin-cho, chia chác huy chương. Nếu chạy đua thành tích theo kiểu đó, vị thế và chất lượng của thể thao Việt Nam có được nâng tầm? Và những khoản tiền khổng lồ đổ vào đào tạo VĐV, vào những công trình hoành tráng gần như chỉ dùng cho hơn 20 ngày diễn ra đại hội liệu có phải quá lãng phí?

Có khoảng 10-12 môn trong hệ thống thi đấu (dự kiến) tại ASIAD mà Việt Nam hoàn toàn không có kinh nghiệm tổ chức nên buộc phải thuê chuyên gia nước ngoài đến hướng dẫn hoặc thuê họ trực tiếp điều hành. Cùng với đó là việc đào tạo giới quản lý, điều hành, tổ chức các môn đạt chuẩn châu lục mà Việt Nam lần đầu đăng cai. Quá trình này cũng đòi hỏi thời gian và rất nhiều tiền bạc, giống như đào tạo VĐV.

Số tiền 820,8 tỉ đồng cho đào tạo VĐV từ nay đến ASIAD 2019 không nằm trong con số tổng kinh phí 150 triệu USD mà Bộ VH-TT&DL dự trù tổ chức ASIAD. Không loại trừ khả năng con số này sẽ được đề xuất tăng cho tới khi tổ chức đại hội bởi ảnh hưởng của trượt giá và nhu cầu đầu tư mạnh mẽ hơn cho các VĐV trọng điểm để phấn đấu có huy chương châu lục.