- Xe chở hàng cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tới vùng Darfur của Sudan
- Chung tay cứu trợ nhân đạo đối với Ukraine
Gần 9 tỷ USD và hàng trăm triệu người được hỗ trợ
Phát biểu khai mạc Sự kiện cấp cao về đóng góp cho Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp trung ương (CERF) năm 2025 do Cơ quan điều phối hỗ trợ nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh CERF là một bài học thành công về ứng phó với các khủng hoảng nhân đạo và kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Ông Guterres cho rằng CERF là công cụ hữu hiệu nhất giúp ứng phó nhanh trong các tình huống khẩn cấp mới cũng như giải quyết các cuộc khủng hoảng vốn rất khó huy động sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Xung đột đang gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trên thế giới |
Trong báo cáo “Triển vọng nhân đạo toàn cầu”, Liên hợp quốc đánh giá các cuộc xung đột, những tình huống khẩn cấp về khí hậu và sự sụp đổ của không ít nền kinh tế đang đè nặng lên nhóm những người dễ bị tổn thương nhất. Thực tế hiện nay cho thấy trong khi thế giới đang tập trung chú ý tới cuộc xung đột ở Dải Gaza thì toàn bộ khu vực Trung Đông, Sudan và Afghanistan cũng là những “điểm nóng” cần các chiến dịch cứu trợ nhân đạo quy mô lớn.
Kể từ khi CERF được thành lập vào năm 2006, CERF là quỹ ứng phó khẩn cấp toàn cầu duy nhất có thể tiếp cận, hỗ trợ và bảo vệ mạng sống của hàng chục triệu người mỗi năm. Nhu cầu tài trợ toàn cầu thông qua kêu gọi nhân đạo đã tăng rất nhanh. Theo thống kê, số tiền cần thiết cho hỗ trợ nhân đạo đã tăng gấp 10 lần, từ mức 5,2 tỷ USD vào năm 2006 khi CERF ra đời lên gần 57 tỷ USD vào năm 2023.
Theo số liệu của OCHA, trong 18 năm hoạt động, CERF đã hỗ trợ hàng trăm triệu người, với gần 9 tỷ USD tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, tháng 8-2024, Liên hợp quốc đã giải ngân 100 triệu USD từ quỹ CERF để hỗ trợ 10 cuộc khủng hoảng nhân đạo ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á và Trung Đông. Theo người phát ngôn của Liên hợp quốc, hơn 1/3 số tiền sẽ được dùng cho các hoạt động cứu trợ ở Yemen và Ethiopia, nơi người dân đang phải vật lộn với nạn đói, tình trạng di cư, bệnh tật và thảm họa khí hậu. Đây là khoản phân bổ thứ hai của quỹ CERF trong năm nay, sau khoản phân bổ 100 triệu USD vào tháng 2 cho 7 quốc gia. Tuy nhiên, tổng số tiền 200 triệu USD được giải ngân trong năm nay cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo là số tiền thấp nhất trong 3 năm qua.
Với Việt Nam, CERF đã hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu USD góp phần giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi (Việt Nam gọi là cơn bão số 3) hồi tháng 9-2024. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt, siêu bão Yagi chỉ là một ví dụ của xu hướng gia tăng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo trên toàn cầu do tác động của xung đột, chiến tranh, thiên tai và biến đổi khí hậu.
Trong hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc, có một thách thức nổi lên là vấn đề an toàn cho các nhân viên cứu trợ. Theo thống kê của OCHA, 280 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng tại 33 nước trong năm 2023, cao hơn gấp 2 lần so với năm 2022. Dự báo trong năm 2024, con số này còn có thể tăng cao hơn, khi đã có 172 nhân viên cứu trợ thiệt mạng tính đến đầu tháng 8-2024. Mới ngày 26-11 vừa qua, hơn 100 quốc gia thành viên Liên hợp quốc ra phải ra tuyên bố kêu gọi bảo vệ các nhân viên cứu trợ nhân đạo - những người bị mất đi mạng sống với số lượng ở mức cao chưa từng có trong những cuộc xung đột trên toàn thế giới.
Nỗ lực giải quyết mầm mống khủng hoảng nhân đạo
Việc huy động nguồn lực cho quỹ CERF cũng gặp nhiều thách thức. Năm 2016, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi tăng quỹ CERF hàng năm từ 450 triệu lên 1 tỷ USD, đưa CERF thực sự trở thành quỹ của tất cả các nước và dành cho tất cả các nước. Theo ông Martin Griffiths, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, công tác nhân đạo cứu sống nhiều người, chống nạn đói, bảo vệ trẻ em, đẩy lùi dịch bệnh và cung cấp chỗ trú ẩn cũng như điều kiện vệ sinh cho nhiều người trong những hoàn cảnh nhân đạo khó khăn nhất. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Còn theo Người phát ngôn Văn phòng điều phối của Liên hợp quốc về tình hình khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trên thế giới, đang có khoảng cách ngày càng lớn giữa nhu cầu nhân đạo và nguồn tài trợ mà Liên hợp quốc có thể cung cấp để giải quyết vấn đề. Việc huy động các nguồn lực không phải dễ dàng. Năm 2017, CERF mới lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 triệu USD.
Tại Sự kiện cấp cao về đóng góp cho CERF, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đã kêu gọi các nước tăng cường đóng góp tài chính cho CERF để đạt được mục tiêu 1 tỷ USD mỗi năm cho công tác cứu trợ nhân đạo. Đại diện các nước và tổ chức quốc tế hoan nghênh vai trò của CERF và nhân dịp này đã cam kết đóng góp tổng cộng hơn 350 triệu USD cho CERF trong năm 2025, trong đó Hà Lan là 58 triệu USD, Na Uy là 40 triệu USD, Đan Mạch góp 26 triệu USD, Canada góp 20 triệu USD…
Cũng tại sự kiện này, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các nỗ lực cứu trợ nhân đạo, giúp người dân phục hồi cuộc sống sau thiên tai và thảm họa. Ngoài đóng góp thường niên cho CERF, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đóng góp hơn 500.000 USD thông qua CERF để hỗ trợ người dân ở Ukraine và Syria, 500.000 USD cho người dân Palestine thông qua Cơ quan Cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA). Việt Nam cũng đã hỗ trợ hơn 2 triệu USD thông qua viện trợ song phương cho các nước chịu ảnh hưởng của thảm họa thiên tai, và lần đầu tiên cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn đến Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất lịch sử tại nước này năm 2023.
Ngoài đóng góp cho quỹ CERF, Việt Nam còn tích cực tham gia giải quyết mầm mống của khủng hoảng nhân đạo. Để giải quyết được thách thức này, Việt Nam kêu gọi các quốc gia và các bên trong xung đột cần tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc về bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo an toàn và không bị cản trở. Việt Nam cũng kêu gọi các nước cần tăng cường hành động để ngăn ngừa các thảm họa do biến đổi khí hậu và các hậu quả nhân đạo có thể xảy ra thông qua thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường khả năng chống chịu với sự tham gia của các cộng đồng ở địa phương.
Trong Phiên họp khẩn cấp đặc biệt để thảo luận về tình hình xung đột và khủng hoảng nhân đạo tại Gaza mới đây dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Philemon Yang, đại diện Việt Nam lên án các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự; kêu gọi các bên kiềm chế, tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng và HĐBA, cũng như các biện pháp tạm thời của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của UNRWA trong việc cung cấp hỗ trợ thiết yếu cho người dân Palestine; khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực góp phần bảo đảm duy trì hoạt động của UNRWA một cách an toàn và hiệu quả, bao gồm cả việc bảo đảm có đủ nguồn lực cần thiết cho cơ quan này triển khai nhiệm vụ.