Thái Lan nỗ lực kích cầu kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc thực thi các biện pháp hoãn, giãn nợ cho các tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ lẻ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế được xem là giải pháp mới nhất của Chính phủ Thái Lan nhằm “khoan sức dân”, kích cầu kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế đất nước Chùa Vàng có dấu hiệu chững lại đáng lo ngại.
Việc hoãn, giãn nợ cũng như phát tiền mặt cho người dân Thái Lan được xem là biện pháp để kích cầu nền kinh tế

Việc hoãn, giãn nợ cũng như phát tiền mặt cho người dân Thái Lan được xem là biện pháp để kích cầu nền kinh tế

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình

Nội các Thái Lan ngày 11-12 đã phê duyệt các biện pháp hỗ trợ, bao gồm việc hoãn trả lãi và giảm thanh toán nợ gốc, để giúp giải quyết vấn đề nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ vốn được coi là rào cản đối với tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế ở nước này. Phát biểu trong một cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nêu rõ, các biện pháp này sẽ giúp tiểu thương và các doanh nghiệp nhỏ lẻ giảm bớt gánh nặng nợ nần.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết, Nội các cũng đã đồng ý cho phép các ngân hàng giảm mức đóng góp hàng năm của họ vào Quỹ Phát triển các tổ chức tài chính (FIDF) từ 0,46% xuống còn 0,23% số tiền gửi mà các ngân hàng này tiếp nhận trong 3 năm. FIDF là quỹ được Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các tổ chức gặp khó khăn. Giới chức Thái Lan cho biết, việc giảm đóng góp vào quỹ này sẽ giải phóng một lượng tiền đáng kể để giúp các ngân hàng hỗ trợ người vay.

Quyết định trên được đưa ra khi những khoản nợ xấu của các ngân hàng Thái Lan trong quý III-2024 đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua, ở mức 2,97% tổng số tín dụng chưa thanh toán, trong bối cảnh các doanh nghiệp nhỏ lẻ và cá nhân đi vay vẫn tiếp tục vật lộn với khó khăn. Với biện pháp vừa được phê duyệt, ước tính có 1,9 triệu “con nợ” với 890 tỷ baht tiền vay sẽ đủ điều kiện được hoãn trả lãi trong 3 năm. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ được giảm thanh toán nợ gốc trong thời gian này.

Hiện nay, gánh nặng nợ nần của các hộ gia đình được coi là rào cản không nhỏ đối với quá trình phục hồi kinh tế của đất nước Thái Lan. Tính đến ngày 30-6, tổng nợ của các hộ gia đình ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á là 16,3 nghìn tỷ baht, tương đương 89,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Với việc các ngân hàng ngày càng không muốn cho vay, sản lượng ô tô của Thái Lan đã giảm mạnh 20% trong năm nay và khiến ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế Thái Lan này phải cắt giảm mục tiêu bán hàng trong nước lần thứ 2 vào tháng 11 vừa qua. Theo một cơ quan nghiên cứu, doanh số bán nhà ở cũng dự kiến sẽ giảm 4,4% trong năm nay với nguyên nhân tương tự.

Trước biện pháp hỗ trợ để giúp giải quyết vấn đề nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ Thái Lan vào tháng 9-2024 cũng đã triển khai dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nới lỏng chi tiêu và giảm chi phí sinh hoạt cho người dân. Theo đó, Bộ trưởng Thương mại tiến hành hỗ trợ các hoạt động của văn phòng thương mại tỉnh trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia, địa điểm tổ chức sự kiện và phối hợp với các nhà sản xuất địa phương để cung cấp các sản phẩm giảm giá.

Chính phủ Thái Lan cam kết tiến hành dự án trên trong thời gian từ tháng 9-2024 đến tháng 1-2025 nhằm tạo thu nhập, giảm chi phí và tạo ra các cơ hội phát triển mới, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm việc giảm phí thuê cửa hàng, tổ chức hội chợ thương mại trên 76 tỉnh, thành ở cả khu vực nhà nước và tư nhân. Bộ Thương mại Thái Lan có kế hoạch hợp tác, khuyến khích các nhà sản xuất và bán buôn lớn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ bằng cách giảm chi phí và giảm giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thông qua các chiến dịch và chương trình khuyến mãi theo mùa. Tham gia cùng Chính phủ, các nhà sản xuất, doanh nghiệp và chuỗi bán lẻ lớn cũng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, giúp nới lỏng chi tiêu và giảm chi phí sinh hoạt cho người dân.

Hàng loạt biện pháp kích cầu

Những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) liên tiếp được Chính phủ Thái Lan đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước Chùa Vàng có tốc độ tăng trưởng khá thấp so với tốc độ tăng trưởng những năm trước đó của quốc gia này cũng như tốc độ tăng trưởng chung ở khu vực. Là nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á, nhưng dự kiến kinh tế Thái Lan sẽ chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm nay sau khi tăng trưởng 1,9% trong năm 2023, những mức khá thấp hơn so với một số nền kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á.

Nguyên nhân khiến nền kinh tế Thái Lan chững lại chủ yếu do bị tác động tiêu cực từ tình hình địa chính trị khu vực và thế giới phức tạp, khó lường - những yếu tố mang lại các rủi ro đối với du lịch và thương mại là hai đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan mà nhiều quốc gia khu vực cũng phải đối mặt và vượt qua, nguyên nhân nội tại cũng chiếm phần không nhỏ khi các SME và hộ gia đình vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19.

Những thách thức với nền kinh tế Thái dự báo còn có thể gia tăng trong thời gian tới, nhất là khi ông Donald Trump chính thức nắm quyền từ tháng 1-2025. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực thi cam kết về áp thuế với hàng nhập khẩu, Thái Lan có nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Theo đó, kinh tế nước này có thể phải gánh chịu mức tổn thất 160,5 tỷ baht (4,6 tỷ USD), tương đương với 0,9% GDP trong tổng mức tăng trưởng đề ra cho năm 2025. Ông Phonvichai nhận định đây là mức tổn thất tương đối lớn và không thể tránh khỏi, đặt ra thách thức cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng 3% GDP của Thái Lan trong năm tới.

Đối mặt với tình hình này, Chính phủ Thái Lan đã triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ cũng như kích cầu nền kinh tế để duy trì đà phục hồi tăng trưởng ổn định. Ngoài các giải pháp về phát tiền trực tiếp cho người dân và giãn nợ, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch 5 điểm nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước trong cả ngắn và dài hạn, bao gồm: bất động sản, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, du lịch-dịch vụ và tiêu dùng cá nhân nhằm tăng doanh thu cho người dân, giảm chi phí sinh hoạt, giải quyết các vấn đề nợ nần và thúc đẩy đầu tư trong thời gian còn lại của năm 2024 và toàn bộ năm 2025.

Trong lĩnh vực bất động sản, các biện pháp ngắn hạn là bắt đầu từ tháng 12 năm nay, các nhà điều hành khách sạn sẽ được hỗ trợ vay vốn để sửa chữa và nâng cấp các tòa nhà nhằm thúc đẩy đầu tư và việc làm. Trong khi đó, các biện pháp dài hạn là xây dựng các dự án nhà ở giá rẻ cũng như cho phép người thu nhập thấp thuê nhà để ở trong dài hạn. Về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, các biện pháp ngắn hạn có giới hạn mức phí tàu điện ở mức cố định 20 baht, dự kiến áp dụng cho tất cả các tuyến vào tháng 9-2025. Các biện pháp dài hạn gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng cho vận tải hàng hóa quốc tế và tích hợp hệ thống giao thông tại các vùng kinh tế trọng điểm trên toàn quốc.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chính phủ trước mắt sẽ trợ cấp tiền mặt cho nông dân để giảm bớt gánh nặng nợ nần và giúp chuẩn bị cho chu kỳ canh tác tiếp theo. Về lâu dài sẽ phát triển các vùng nông nghiệp để thúc đẩy các hoạt động canh tác phù hợp với điều kiện đất đai, tài nguyên nước và khí hậu của từng khu vực, dự kiến khởi công vào năm 2025. Với ngành du lịch và dịch vụ, các biện pháp ngắn hạn như “Quà tặng năm mới” được kỳ vọng kích thích du lịch và chi tiêu trong mùa nghỉ lễ năm mới. Các biện pháp dài hạn là phát triển các điểm tham quan du lịch nhân tạo, chẳng hạn như công viên giải trí và khu phức hợp giải trí.

Chính phủ Thái Lan cũng đặt mục tiêu sử dụng các biện pháp kích thích làm nền tảng cho việc thúc đẩy kinh tế dài hạn bằng cách phát triển các động lực tăng trưởng mới, cơ sở hạ tầng và các khu kinh tế mới để tích hợp công nghệ hiện đại với các ngành sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.