Viễn cảnh 'sứ giả chiến tranh' Tomahawk Mỹ vào biên chế quân đội Nhật Bản

ANTD.VN - Nhật Bản được cho là đang đàm phán với Mỹ để mua tên lửa hành trình Tomahawk biệt danh "sứ giả chiến tranh" nhằm cải thiện năng lực tấn công đáp trả.

Tờ báo Yomiuri dẫn lời các quan chức Nhật Bản giấu tên hôm 28/10 cho biết, Tokyo đã đề nghị Washington bán tên lửa hành trình Tomahawk và nhận được phản hồi tích cực, hai bên đang bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng.

Nhật Bản vẫn theo đuổi kế hoạch sản xuất tên lửa nội địa nhằm bảo đảm "khả năng tấn công trả đũa", nhưng cho rằng việc mua Tomahawk sẽ giúp họ rút ngắn thời gian biên chế tên lửa hành trình và là yếu tố cần thiết để cải thiện năng lực răn đe.
Nhật Bản hiện chưa sở hữu các loại tên lửa hành trình tấn công tầm xa, do hiến pháp nước này quy định các khí tài quân sự chỉ phục vụ mục đích phòng thủ.
Tokyo nhiều năm qua đã nỗ lực diễn giải lại hiến pháp, cho phép họ tung đòn tấn công nếu an ninh quốc gia bị đe dọa.
Giới chức Nhật Bản cũng đang điều chỉnh Chiến lược An ninh Quốc gia, dự kiến hoàn thiện và công bố cuối năm nay, trong đó khẳng định năng lực tấn công trả đũa nhằm vào các căn cứ tên lửa đối phương là yếu tố quan trọng với phòng vệ đất nước.

Một số biến thể tên lửa Tomahawk của Mỹ có tầm bắn khoảng 1.600 km, cho phép Nhật Bản bắn tới nhiều mục tiêu ở Đông Bắc Á, nếu sở hữu.

Nhật Bản có thể chỉnh sửa bệ phóng thẳng đứng trên nhiều tàu chiến hiện nay để khai hỏa tên lửa Tomahawk.

Truyền thông Nhật Bản cho biết, các tên lửa Tomahawk có giá tối đa 1,2 triệu USD/quả và Tokyo có thể mua chúng thông qua chương trình Bán trang bị quân sự cho nước ngoài (FMS) của Washington, trong đó chính phủ Mỹ sẽ mua khí tài từ các nhà sản xuất và chuyển giao cho chính phủ nước ngoài.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno xác nhận đã biết về thông tin được đăng tải, nhưng không công bố thêm chi tiết.
"Chính phủ Nhật Bản đang xem xét những năng lực tấn công đáp trả, nhưng chưa có quyết định cụ thể nào", ông nói.

Được mệnh danh là "sứ giả chiến tranh", tên lửa hành trình Tomahawk được coi là loại vũ khí đánh phủ đầu mạnh nhất hiện nay của Mỹ.

Tomahawk là loại tên lửa hành trình với nhiều biến thể, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng đi từ các hệ thống phóng mặt đất, chiến hạm hoặc tàu ngầm trên biển.
Tên lửa được bắn khỏi dàn phóng bằng một mô đun sơ tốc có chứa thuốc phóng, sau khi đạt gia tốc cần thiết mô-đun sơ tốc bị tách bỏ, động cơ phản lực mini hoạt động và đẩy quả đạn theo hành trình của nó.
Tomahawk cũng là vũ khí tiêu chuẩn trên tàu ngầm nguyên tử tấn công của Anh và Mỹ. Hiện biến thể mới nhất trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân hạt nhân mang định danh RGM/UGM-109E Tomahawk.
Đây cũng là loại tên lửa hành trình tầm xa, có khả năng sống sót cao, bay thấp nên khó bị phát hiện bằng radar.
Các thiết bị chính bên trong bao gồm: hệ thống dẫn đường, mô đun tấn công (đầu đạn), hệ thống lái, khoang nhiên liệu và động cơ phản lực.
Tên lửa có trọng lượng 1,3 tấn, chiều dài 5,56 m, sải cánh 2,6 m, đường kính 0,52 m.
Tầm bắn của tên lửa từ 1.300 km tới 2.500 km tùy từng biến thể. Phiên bản mới nhất trang bị trên tàu ngầm đạt tầm bắn 1.600 km.
Sức mạnh công phá của tên lửa Tomahawk nằm ở đầu đạn nặng 450kg.
Ngoài phiên bản trang bị thuốc nổ cực mạnh, đầu đạn Tomahawk còn có thể mang bom chùm BLU-97/B để tiêu diệt các đoàn xe tăng, hoặc thiết giáp.
Khi cần thiết, Tomahawk có thể mang đầu đạn hạt nhân W80 với đương lượng nổ 200kt.
Tên lửa Tomahawk sử dụng động cơ phản lực cánh quạt đẩy Williams International F107-WR-402 sử dụng nhiên liệu TH-dimer. Tốc độ của tên lửa 880 km/h.
Loại tên lửa này sử dụng cơ chế dẫn đường bằng GPS (từ TLAM Block III), TERCOM, DSMAC.
Được coi là sứ giả chiến tranh, tên lửa Tomahawk luôn được Mỹ sử dụng trong các đòn tấn công phủ đầu của mình.
Tiếng rít khi bay của loại tên lửa này đã trở thành nỗi ám ảnh của các lực lượng bị chúng tấn công.
Tomahawk cũng là loại tên lửa hành trình tấn công giàu kinh nghiệm trận mạc nhất thế giới, chúng bắt đầu thực chiến trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Kể từ đó tới nay, chúng tham gia vào nhiều cuộc xung đột có sự tham gia của Mỹ.