Viện Bảo tồn di tích kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay, 30/12, tại Hà Nội, Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (1971 – 2021).

Quá trình phát triển của Viện Bảo tồn di tích gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển ngành bảo tồn di tích của Việt Nam. Khi Xưởng Tu sửa phục chế được thành lập và hoạt động vào năm 1971, lần đầu tiên nước ta tu bổ một di tích kiến trúc có giá trị là Tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phú (năm 1972) một cách bài bản khoa học.

Trong suốt 50 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Bảo tồn di tích đã tạo dựng được sự tín nhiệm và uy tín chuyên môn trong cả nước, luôn luôn được giao đảm nhiệm những công trình trùng tu tôn tạo quan trọng bậc nhất của quốc gia như đền Hùng, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu đền tháp Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An…

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Viện Bảo tồn di tích cũng là đơn vị được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch giao thực hiện Quản lý dự án “Tu bổ, nâng cấp Nhà hát Lớn Hà Nội” – đây là một dự án đặc biệt quan trọng, được giới chuyên môn đánh giá cao sau khi tu bổ.

Không chỉ tập trung cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Viện, ở cấp Bộ, cấp nhà nước hay chương trình hợp tác quốc tế đều trở thành những luận cứ khoa học, làm cơ sở hoạch định chiến lược chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa. Ngoài ra, Viện Bảo tồn di tích còn thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực về bảo tồn di tích, xây dựng ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích tại Việt Nam, xuất bản các ấn phẩm về di tích và công tác bảo tồn di tích…

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết: Hàng nghìn công trình văn hóa đã được trùng tu, bảo tồn, hàng trăm bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác trùng tu di tích đã được thực thi và đúc kết, trở thành những bài học quý giá, góp phần khẳng định vị trí, thương hiệu của Viện Bảo tồn di tích trong công tác bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta.

Thứ trưởng Bộ V HTTDL Hoàng Đạo Cương trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có những cống hiến, thành tích xuất sắc cho Viện Bảo tồn di tích trong thời gian qua

Thứ trưởng Bộ V HTTDL Hoàng Đạo Cương trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có những cống hiến, thành tích xuất sắc cho Viện Bảo tồn di tích trong thời gian qua

“Trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức, để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tôi đề nghị cán bộ, viên chức trong Viện cần không ngừng nỗ lực, sáng tạo, luôn luôn bám sát nhiệm vụ được giao, xác định được mục tiêu và hướng đi đúng, nhanh chóng tiếp cận với những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn để nâng cao hiệu quả và chất lượng các nhiệm vụ đã đề ra, thực hiện tốt phương châm hoạt động của Viện Bảo tồn di tích là: Xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp có năng lực và tận tâm với nghề, thực hiện các công việc với chất lượng cao, góp phần tích cực và hiệu quả vào công cuộc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc”- Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Cũng nhân dịp này, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có những cống hiến, thành tích xuất sắc cho Viện Bảo tồn di tích trong thời gian qua.