Bảo vật quốc gia Bát ngự dụng thời Lê sơ: Khẳng định đẳng cấp gốm sứ Đại Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong danh sách phong tặng Bảo vật quốc gia đợt 10, năm 2021, ngoài hiện vật “Lá đề chim phượng” thế kỷ XI, Hà Nội còn góp mặt với hiện vật độc bản khác đặc biệt quý hiếm là hai bát sứ thấu quang hình rồng 5 móng thời Lê sơ. Hai chiếc bát gốm nhỏ bé đã góp phần quan trọng khẳng định đẳng cấp gốm sứ Việt Nam đối với các quốc gia khác trong khu vực.

2 chiếc bát sứ, xương gốm “mỏng như trứng”

Hai bát sứ ngự dụng có mã số là A9-2714 và A22-3071 được phát hiện cùng với các hiện vật có niên đại thời Lê sơ thế kỷ XV – XVI, nằm trong lớp đổ lấp dòng chảy cổ, giữa khu A và khu B của công trường khai quật 18 Hoàng Diệu, phủ lên trên lớp đổ lấp này là một lớp bùn được hình thành bởi quá trình trầm lắng.

Chiếc bát thấu quang hình rồng, đồ ngự dụng của nhà vua có niên đại thời Lê sơ được tìm thấy qua đợt khai quật di chỉ khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long

Chiếc bát thấu quang hình rồng, đồ ngự dụng của nhà vua có niên đại thời Lê sơ được tìm thấy qua đợt khai quật di chỉ khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long

Mặc dù có chút khác nhau về kích thước nhưng cấu trúc, đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên 2 bát giống nhau gần như hoàn toàn. Bát có xương gốm rất mỏng- “mỏng như vỏ trứng”, độ trong của xương rất cao, ánh sáng có thể xuyên qua, điều này cho thấy đẳng cấp và trình độ kỹ thuật sản xuất gốm sứ thời Lê sơ.

Hoa văn là đôi rồng được thể hiện trong tư thế đang bay lượn trong mây tạo thành hình vòng tròn trên thành bát, hướng vận động theo chiều kim đồng hồ; giữa lòng bát in nổi một chữ 官 (Quan).

Ngày 25/12, trong đợt công nhận Bảo vật quốc gia lần thứ 10, năm 2021, cùng 22 hiện vật khác của nhiều tỉnh thành, 2 chiếc bát ngự dụng thời Lê sơ đã chính thức trở thành Bảo vật quốc gia

Ngày 25/12, trong đợt công nhận Bảo vật quốc gia lần thứ 10, năm 2021, cùng 22 hiện vật khác của nhiều tỉnh thành, 2 chiếc bát ngự dụng thời Lê sơ đã chính thức trở thành Bảo vật quốc gia

Rồng được thể hiện ở tư thế bay lượn, đầu rồng ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn thành nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng về phía sau như cái bánh lái, vây dương cao, các chân thể hiện tư thế vận động như đang đạp vào mây. Các đặc điểm của thân, đầu, râu, trán, sừng, mắt, vv…của rồng thể hiện theo tiêu chuẩn 9 giống- tức là con rồng có 9 đặc điểm giống với các con vật khác. Rồng có bờm và trán nổi u, chân rồng 5 móng là thể hiện sức mạnh và tính biểu trưng cho quyền lực của thiên tử.

Chữ Quan in nổi giữa lòng bát là kiểu chữ chân. Các nhà nghiên cứu tin rằng, chữ Quan in trong lòng bát là minh chứng tin cậy 2 chiếc bát sứ thấu quang là sản phẩm của lò quan, tức là lò do Quan xưởng thiết lập, chuyên sản xuất các vật dụng dành cho triều đình.

Khẳng định vị thế, đẳng cấp gốm sứ Đại Việt

Theo tài liệu nghiên cứu nhóm tác giả gồm: Ths. Nguyễn Hồng Chi, TS. Nguyễn Anh, Ths. Phùng Văn Quỳnh, hiện loại bát sứ men trắng trang trí rồng có xương mỏng như 2 chiếc bát Bảo vật quốc gia này chỉ được tìm thấy tại di tích Lam Kinh và Hoàng thành Thăng Long nhưng với số lượng rất hạn chế.

Đây là minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ

Đây là minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ

Tại Lam Kinh, khu lăng tẩm và thái miếu của triều Hậu Lê được nhiều người ví như kinh đô thứ 2 của nhà Hậu Lê cũng đã phát hiện được một số mảnh bát sứ trắng in nổi hình rồng 5 móng giống, tuy nhiên tất cả hiện vật phát hiện tại Lam Kinh đều bị vỡ, không hiện vật nào còn đủ mảnh để ghép đủ dáng. Hoàng thành Thăng Long phát hiện được nhiều tiêu bản hơn nhưng số lượng còn đủ dáng cũng không nhiều.

Các bát sứ ngự dụng phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long nói chung và hai chiếc bát thấu quang hình rồng vừa trở thành Bảo vật quốc gia minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ.

Có thể thấy nguyên liệu làm ra những chiếc bát thấu quang này không chỉ là cao lanh mà là loại cao lanh có độ tinh khiết rất cao. Độ tinh khiết cao của nguyên liệu cùng với quá trình nung ở nhiệt độ cao làm thủy tinh hóa toàn bộ độ dày của sản phẩn giúp cho sản phẩm có xương rất mỏng mà vẫn đảm bảo độ bền và thấu quang. Nhiệt độ và kỹ thuật nung đốt của các sản phẩm đạt và vượt tiêu chuẩn của đồ sứ. Với khả năng thiêu đốt cao trong điều kiện xương gốm rất mỏng mà hình dáng sản phẩm ít bị biến dạng so với cốt trước khi nung cho thấy công nghệ làm lò nung đã đạt đến trình độ cao, đặc biệt là khâu kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ của lò nung.

Trong công bố gần đây tại một hội thảo chuyên ngành, PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh thành và cũng là một chuyên gia hàng đầu về gốm sứ cổ cho biết, 2 chiếc bát này được chế tác bằng khuôn in trong và được nung đơn chiếc ở nhiệt độ rất cao khoảng trên 1.250 độ C. Khuôn in trong, hay còn gọi là kỹ thuật “ấn hoa” nghĩa là dùng khuôn in để tạo hình hoa văn trên thai gốm trước khi phủ men. Kỹ thuật này xuất hiện vào thời Lý tại lò Thăng Long và đã đưa lại một sức sống mới, mang tính sáng tạo nghệ thuật của đồ gốm men đơn sắc Việt Nam. Các loại bát, đĩa sứ men trắng in hình rồng thời Lê sơ đều sử dụng kỹ thuật khuôn in, được thiết kế tỉ mỉ như chạm khắc. Kỹ thuật này đã tạo ra sự chuẩn mực về hình dáng và kích cỡ cho những đồ sứ men trắng.

Chiếc bát sứ men trắng, thấu quang vừa trở thành Bảo vật quốc gia được đánh giá là một trong những đồ sứ ngự dụng quý hiếm nhất của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Đây là phát hiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa khoa học rất lớn trong lịch sử gốm cổ Việt Nam, bởi đây là lần đầu tiên ở Việt Nam tìm thấy bằng chứng chắc chắn về sản phẩm của lò quan Thăng Long, chuyên chế tác đồ sứ cao cấp dành riêng cho nhà vua sử dụng trong Hoàng cung.

Dấu hiệu để minh chứng thuyết phục cho điều này được chỉ định đó là hình rồng và chữ Quan. Trước đây, các nhà khoa học trong nước và quốc tế thường cho rằng, trong lịch sử gốm cổ Việt Nam không có đồ sứ, không có lò quan mà chỉ có lò dân. Cơ sở của lập luận này xuất phát từ nhận thức cho rằng, phẩm cấp của đồ gốm Việt Nam phần nhiều thuộc loại bình dân, có chất lượng thấp hơn nhiều so với đồ gốm sứ của Trung Quốc.

Theo đó từ lâu, nhiều đồ gốm hiếm quý thời Lý của Việt Nam có chất lượng hoàn hảo như đồ sứ Trung Quốc đã từng xếp vào hệ gốm Trung Quốc thời Tống, vì trong tiềm thức của nhiều nhà nghiên cứu, Việt Nam không thể sản xuất được các loại đồ sứ cao cấp và tinh mỹ như đồ sứ Trung Quốc, thậm chí khi nói đến lịch sử gốm cổ Việt Nam không ai nói đến đồ sứ Việt Nam.

“Sau những phát hiện về đồ sứ thời Lý và đồ sứ thời Lê sơ tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, do lò quan Thăng Long sản xuất, đã đem lại nhiều điều bất ngờ thú vị cho giới khoa học trong nước và quốc tế. Đặc biệt, khi phát hiện được những đồ sứ trắng mỏng, thấu quang, trang trí hình rồng và chữ Quan có chất lượng tuyệt hảo đã làm đảo ngược lại toàn bộ các quan điểm nói trên. Từ đây, giới khoa học đã có đủ cơ sở để tin rằng, từ thời Lý, Việt Nam đã sản xuất được những đồ sứ đích thực”- PGS.TS Bùi Minh Trí khẳng định.

Tin cùng chuyên mục