Vì sao xe tăng T-90M mạnh nhất trong biên chế Nga không tham chiến tại Ukraine?

ANTD.VN - Sau khi hàng loạt xe tăng chủ lực hiện đại như T-72B3M, T-80BVM, T-90A gục ngã dưới đòn đánh trả từ vũ khí chống tăng của Ukraine, người ta mong chờ sự xuất hiện của xe tăng T-90M nhằm thay đổi cục diện, nhưng vì sao Nga vẫn chưa tung dòng xe tăng này vào tham chiến.

Siêu tăng T-90M là dòng xe tăng mạnh nhất của quân đội Nga hiện nay, tuy nhiên Moscow vẫn chưa tung dòng xe này vào tham chiến tại Ukraine vì nhiều lý do.

Có thể nói T-90M là phiên bản xe tăng được Nga hoàn thiện nhất từ các dòng xe tăng do Liên Xô phát triển trước khi T-14, dòng xe tăng mang tính cách mạng ra đời.
Trong khi Nga vẫn đang gặp vấn đề về kỹ thuật và ngân sách khiến cho xe tăng T-14 liên tục trễ hẹn vào biên chế, thì xe tăng T-90M nghiễm nhiên trở thành "ngôi vương" về sức mạnh trong lục quân Nga.
T-90M là biến thể nội địa của dòng T-90AM vốn được Nga phát triển chỉ để xuất khẩu. Sự xuất hiện của T-90M làm người ta liên tới tới Su-30SM, đây vốn là biến thể nội địa của dòng Su-30MKI được Nga phát triển cho Ấn Độ.
Nhận thấy các phiên bản vũ khí ban đầu vốn chỉ phát triển cho xuất khẩu nhưng chúng lại thể hiện hiệu suất tốt, vì thế Nga đã quyết định sửa đổi để chúng thể hiện sức mạnh hơn trước khi đưa vào biên chế.
Việc Nga giữ lại T-90M cho tới giờ phút này vẫn chưa tung vào chiến trường Ukraine có thể hiểu theo các nguyên do sau đây. Đầu tiên là số lượng của chúng còn quá ít.
Ước tính đang có khoảng 30 chiếc xe tăng T-90M trong biên chế của quân đội Nga. 10 chiếc đầu tiên được giao năm 2019 và 20 chiếc khác mới đi vào biên chế vào cuối năm 2021.
Số lượng ít ỏi này của xe tăng T-90M khiến Nga chưa vội tung vào cuộc chiến khi họ đang có trong tay hàng ngàn xe tăng hiện đại T-72B3M, T-80BVM và T-90A.
Mặt khác xe tăng T-90M có giá thành chế tạo lớn hơn so với các loại xe tăng trước đây, vì thế Nga vẫn muốn giữ lại các xe tăng đắt đỏ mang tính biểu tượng về sức mạnh này.
Tiếp đến vì T-90M là dòng xe tăng mạnh nhất thời điểm hiện tại trước khi T-14 đi vào biên chế, vì vậy Nga không quá mạo hiểm tung chúng vào chiến trường Ukraine.
Nếu T-90M cũng bị tiêu diệt như T-72B3M, T-80BVM, T-90A thì ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ bị ảnh hưởng không ít.
Dòng xe tăng T-90 nói chung đang là "con gà đẻ trứng vàng" cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Nếu T-90A bị ảnh hưởng tại chiến trường Ukraine thì Nga vẫn còn xe tăng T-90M (vốn có nhiều khác biệt và được nâng cấp toàn diện) để quảng bá xuất khẩu.
Đây có thể là những nguyên do khiến Nga chưa vội tung xe tăng T-90M vào chiến trận tại Ukraine. Mặt khác dù chịu tổn thất nhiều nhưng về cơ bản quân đội Nga vẫn đang làm chủ tình hình tại Ukraine, vì thế cũng không nhất thiết phải tung T-90M vào chiến trường này.

T-90M được nâng cấp toàn diện về hỏa lực, hệ thống điện tử và giáp bảo vệ, đưa nó trở thành một trong những xe tăng mạnh nhất thế giới.

Khi nhìn ở hướng trực diện, T-90M nổi bật với tháp pháo hình chiếc đĩa, cùng với các lưới bảo vệ khoảng hở giữa tháp pháo và thân xe. T-90M còn có tên gọi là Proryv-3 (Đột phá 3, theo phiên âm tiếng Nga).

T-90M được nâng cấp nhiều về hỏa lực. Xe sử dụng pháo chính 2A46M-5, 125 mm, phiên bản nâng cấp mới nhất của loại pháo tăng huyền thoại 2A46.
Theo trang Topwar của Nga, pháo 2A46M-5 có độ chính xác tăng thêm 20% so với phiên bản 2A46M-4, độ phân tán của đạn khi bắn trong lục di chuyển giảm 1,7%.
Pháo tăng 2A46M-5 mới có hiệu suất cao cùng hệ thống ổn định nâng cấp cho phép công kích mục tiêu chính xác hơn trong lúc xe đang di chuyển.
Nóc tháp pháo được lắp trạm vũ khí điều khiển từ xa sử dụng đại liên 12,7 mm. Trạm vũ khí mới tích hợp cảm biến và hệ thống điều khiển hỏa lực, cho phép trưởng xe tiêu diệt mục tiêu từ bên trong xe, mà không phải thò đầu ra ngoài để bắn như các phiên bản cũ.
T-90M được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp Kalina. Đây là hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân được lắp trên siêu tăng T-14 Armata. Hệ thống Kalina với các cảm biến hiện đại cho phép theo dõi mục tiêu tự động và khóa pháo chính vào mục tiêu cho đến khi pháo thủ khai hỏa.
Hệ thống cảm biến trên T-90M có thể xác định mục tiêu cỡ xe tăng ở cự ly 5.500 m trong điều kiện ban ngày, 2.000 m trong điều kiện đêm tối.

T-90M được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) Relikt thế hệ mới, thay cho Kontakt-5 ERA. Relikt được thiết kế dạng module bọc phía trước tháp pháo, hai bên hông và các khu vực quan trọng của xe tăng.

Thiết kế dạng module cho phép dễ dàng thay thế trong điều kiện chiến trường. Relikt cung cấp khả năng bảo vệ tăng 50% chống lại các loại đạn xuyên giáp, tên lửa chống tăng.
Phía sau tháp pháo, đuôi xe được gắn hệ thống lồng thép, giúp tăng khả năng bảo vệ chống lại các loại đạn bắn từ súng phóng lựu chống tăng. Khoảng hở giữa tháp pháo và thân xe được bọc lưới bảo vệ để tăng khả năng cản phá các loại đạn chống tăng.

Ngoài ra, T-90M còn được lắp hệ thống phòng vệ chủ động tương tự Afganit, loại dùng trên siêu tăng T-14 Armata. Nó gồm các cảm biến lắp quanh tháp pháo để phát hiện mối đe dọa, sau đó phóng cái khối đánh chặn để phá hủy đầu đạn trước khi nó tác động đến thân xe.

Giới phân tích quân sự đánh giá, nhờ cập nhật các công nghệ của siêu tăng T-14, T-90M đã thực sự lột xác tạo nên một nắm đấm hỏa lực uy lực trên chiến trường dựa trên bộ khung cũ của T-90

T-90M được trang bị động cơ diesel V-92S2F, công suất 1.300 mã lực với hộp số sàn 7 số tiến và một số lùi. T-90M có thể đạt tốc độ tối đa 70 km/h ở đường nhựa, 45 km/h ở đường ghồ ghề. Dự trữ hành trình 500 km.

Xe tăng T-90M được giới thiệu với công chúng lần đầu trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít Đức năm 2020.

Các chuyên gia cho biết T-90M được nâng cấp dựa trên những kinh nghiệm trong chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria năm 2015.

Việc Nga nâng cấp T-90M dẫn đến nhiều đồn đoán chương trình phát triển siêu tăng T-14 Armata đang gặp khó khăn. T-14 được giới thiệu với công chúng lần đầu trong cuộc duyệt binh năm 2015.

Sáu sau trôi qua, T-14 vẫn chưa thể được đưa vào sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Một số nguồn tin cho rằng chi phí đắt đỏ và những khó khăn trong sản xuất đã tác động tiêu cực đến chương trình T-14.

Sau gần 7 năm trôi qua, T-14 vẫn chưa thể được đưa vào sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Một số nguồn tin cho rằng chi phí đắt đỏ và những khó khăn trong sản xuất đã tác động tiêu cực đến chương trình T-14.

Điều này được củng cố bằng việc Nga liên tục nâng cấp dòng xe tăng huyền thoại T-72B3 với gói nâng cấp mới nhất là T-72B3M, T-80BV nâng cấp thành T-80BVM và T-90A được nâng cấp lên T-90M để những dòng xe tăng này trở thành xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Nga.

Tuy nhiên với những gì đã và đang diễn ra tại chiến trường Ukraine khi hàng loạt xe tăng T-72B3M, T-80BVM và T-90A đều gục ngã dưới tên lửa chống tăng NATO chuyển cho Ukraine, rất có thể Nga sẽ phải đẩy mạnh việc nâng cấp T-90M cũng như đổ tiền vào để sớm hoàn thiện T-14 Armata.