Vì sao tòa trả hồ sơ vụ hai luật sư bị cáo buộc lừa đảo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Nguyễn Thiện Hiệp (SN 1982, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và Nguyễn Quang Trung (SN 1991, ở TP Phủ Lý, Hà Nam), cùng là luật sư ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…

Theo hồ sơ vụ án, bà Hoàng Lệ Nhật (SN 1977, ở Cao Bằng) là Thư ký, kiêm Trợ lý cho Nguyễn Khắc Đồi (Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời Gian Vàng (Công ty Thời Gian Vàng, ở TP. HCM). Doanh nghiệp này có Văn phòng tại quận Tây Hồ (Hà Nội), hoạt động đa ngành nghề trong lĩnh vực giáo dục, kinh doanh.

Ngày 14/8/2020, bà Nhật nhận được tin 8 người của Ban lãnh đạo công ty, trong đó có Nguyễn Khắc Đồi bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an tạm giữ để điều tra về hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do có nhu cầu tìm luật sư để tư vấn, bào chữa cho Nguyễn Khắc Đồi, thông qua người quen, bà Nhật được giới thiệu gặp luật sư Nguyễn Thiện Hiệp - Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tâm.

Ngày 15/8/2020, Nguyễn Thiện Hiệp đến Văn phòng Công ty Thời Gian Vàng để tư vấn cho các thành viên trong doanh nghiệp này. Tại đây, Hiệp gặp bà Nhật cùng em trai ông Đồi và nhiều người khác.

Sau khi nghe các thành viên công ty trình bày, Hiệp nói mọi người trong công ty rằng ngoài nguy cơ bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”, những người này còn có thể bị xử lý tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khung hình phạt sẽ bị nặng hơn.

Pháp luật về hình sự yêu cầu phải thực hiện nghiêm thủ tục tố tụng.

Pháp luật về hình sự yêu cầu phải thực hiện nghiêm thủ tục tố tụng.

Hiệp tư vấn cho mọi người là khi làm việc với CQĐT, phải nói là kinh doanh đa cấp để không bị tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiệp còn nói muốn xin chỉ bị khởi tố tội “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” mà không bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì Hiệp giúp được.

Bà Nhật hỏi để giải quyết việc của công ty hết bao nhiêu tiền, Hiệp trả lời hết 5 tỷ đồng và hẹn bà Nhật đến Văn phòng Công ty Luật của Thiện Hiệp ký hợp đồng. Sau khi Hiệp ra về, bà Nhật đã họp lại Ban Điều hành công ty và thông báo lại cam kết của Hiệp. Mọi người đồng ý để bà Nhật đại diện nhờ Hiệp “giúp”.

Ngày 16/8/2020, bà Nhật cùng một số thành viên trong công ty mang 1 tỷ đồng đến công ty Thiện Hiệp để ký hợp đồng dịch vụ pháp lý và giao tiền lo “chạy tội” cho mọi người trong công ty. Khi đến nơi, bà Nhật và những người đi cùng đã gặp Hiệp và Nguyễn Quang Trung - là luật sư nhân viên của Thiện Hiệp.

Tại đây, Hiệp chỉ đạo Trung soạn thảo Hợp đồng dịch vụ pháp lý mời luật sư bào chữa chi phí là 200 triệu đồng. Đối với số tiền 5 tỷ đồng lo “chạy tội”, Hiệp chỉ đạo Trung lập riêng 1 Hợp đồng kèm theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý là “Phụ lục hợp đồng dịch vụ pháp lý hứa thưởng” và phải giao đủ tiền trong 7 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, nhận trước 800 triệu đồng ngay khi ký hợp đồng.

Đến ngày 18/8/2020, bà Nhật và một người khác đã mang số tiền 2,2 tỷ đồng đến công ty của Hiệp. Tại đây, Hiệp tiếp tục đưa ra thông tin gian dối về việc đã vào Trại tạm giam gặp Nguyễn Khắc Đồi, cho biết Đồi sức khỏe rất tốt, gửi lời hỏi thăm sức khỏe gia đình để các thành viên công ty bà Nhật và mọi người tin tưởng.

Ngày 20/8/2020, Hiệp đến Văn phòng Công ty Thời Gian Vàng tư vấn cho mọi người trong doanh nghiệp và tiếp tục khẳng định về việc đã vào Trại tạm giam làm việc với Đồi cùng CQĐT nhưng không cung cấp nội dung vì là bí mật điều tra.

Ngày 21/8/2020, Ban Điều hành Công ty Thời Gian Vàng họp và đánh giá Hiệp nói việc đã vào Trại tạm giam gặp Đồi là không đúng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cũng đã tiến hành điều tra làm rõ từ ngày 14/8/2020 đến 21/8/2020, Nguyễn Thiện Hiệp không tham gia cùng Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm việc với Nguyễn Khắc Đồi.

Ban Điều hành thống nhất hủy hợp đồng với Hiệp và đòi lại tiền. Sau đó, bà Nhật thông báo cho Hiệp yêu cầu hủy hợp đồng sắp xếp thời gian gặp để trả lại tiền. Ngày 22/8/2020, mặc dù bà Nhật đã thông báo cho Hiệp nhưng Trung vẫn gọi điện thoại cho bà Nhật thông báo Phụ lục hợp đồng dịch vụ pháp lý hứa thưởng đến ngày 23/8/2020 hết hạn và phải thanh toán nốt số tiền 2 tỷ đồng vì trong hợp đồng nêu rõ thời hạn thanh toán là 7 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

Bà Nhật thông báo lại cho Trung về yêu cầu hủy hợp đồng và đề nghị Trung lên lịch hẹn để hôm sau đến làm việc. Ngày 23/8/2020, bà Nhật đi cùng nhiều người khác đến gặp Hiệp và Trung để yêu cầu chấm dứt hợp đồng và trả lại tiền.

Tại đây, Trung là người soạn thảo biên bản về việc bà Nhật đề nghị hủy Hợp đồng dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên, Hiệp không đồng ý hủy hợp đồng và không trả lại tiền.

Sau đó, Trung đã soạn thảo biên bản làm việc ghi nhận ý kiến của mỗi bên và in ra để mọi người ký. Sau đó, vào các ngày 24/8, 28/8 và 11/9/2020, Hiệp gửi cho bà Nhật 3 lần bản thông báo yêu cầu bà Nhật nộp nốt số tiền hứa thưởng.

Bà Nhật và mọi người nhiều lần gọi điện cho Hiệp yêu cầu hoàn trả tiền, nhưng Hiệp không nghe máy nên bà Nhật gửi đơn tố giác đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội.

Tại CQĐT, Nguyễn Thiện Hiệp khai nhận hành vi phạm tội. Nguyễn Quang Trung không thừa nhận đã đồng phạm với Thiện Hiệp. Trung khai việc soạn thảo hợp đồng để tham gia bào chữa, không có mục đích khác. Khi Hiệp tư vấn cho các thành viên công ty thì Trung có mặt tại đó nhưng không để ý.

Đưa các bị cáo ra xét xử, song phiên tòa sơ thẩm đã phải trì hoãn và Tòa án đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung ngay sau khi khai mạc. Lý do vì tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho 2 bị cáo đề nghị thay đổi kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử.

Theo luật sư, quá trình giải quyết vụ án, mặc dù bị cáo kêu oan nhưng kiểm sát viên đã không tham gia hỏi cung cùng điều tra viên hoặc trực tiếp lấy lời khai từ bị cáo. Ngoài ra, cơ quan truy tố cũng không gửi hoặc gửi không kịp thời một số văn bản tố tụng cho người bào chữa… Đây là những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự.