Vì sao Pantsir-S1 Syria 'im hơi lặng tiếng' khi Tomahawk Mỹ 'thét gầm'?

ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Nga vừa ra thông báo cho biết các tổ hợp tên lửa phòng không được Syria sử dụng trong việc chống trả cuộc tập kích đường không bao gồm S-125, S-200, Buk và Kvadrat. Vậy hệ thống tên lửa phòng thủ quan trọng Pantsir-S1 của nước này đang ở đâu khi nguy khẩn? 

Việc lực lượng phòng không Syria sử dụng toàn các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung - xa để bắn chặn đòn tập kích bằng Tomahawk là động thái khá bất ngờ và gây ra không ít ngạc nhiên cho giới quan sát.

Lý do bởi ngoại trừ Buk-M2E hiện đại thì còn lại đều là các tổ hợp đã ra đời từ thời Liên Xô cách đây trên 30 năm. 

Tuy rằng đã được nâng cấp, hiện đại hóa nhưng khoảng cách của chúng vẫn còn tương đối lớn khi đặt cạnh những hệ thống đánh chặn tối tân, đặc biệt là rất hạn chế trong tính năng chống mục tiêu bay thấp.

Trong khi đó phương tiện được kỳ vọng nhất và đã chứng minh hiệu quả qua quá trình thực chiến, tiêu diệt thành công nhiều đạn rocket và tên lửa hành trình bắn vào lãnh thổ Syria là Pantsir-S1 lại im hơi lặng tiếng một cách khó hiểu.

Nguyên nhân nào khiến Syria không bố trí Pantsir-S1 trực chiến trong khi nó là vũ khí duy nhất được nhận xét đủ hiệu quả chống tập kích đường không của Mỹ và liên quân?

Với tầm bắn và phương thức tác chiến của Pantsir-S1, nó sẽ được yêu cầu phải bố trí ngay cạnh mục tiêu cần bảo vệ, tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu đối phương sử dụng tên lửa chống bức xạ diệt radar bắn kèm đạn hành trình đối đất.

Khi đó dễ xảy ra trường hợp Pantsir-S1 phải tập trung đối phó đợt tấn công chế áp trước rồi mới bảo vệ mục tiêu sau.

Hiệu quả tác chiến của phương thức này rõ ràng không cao, thậm chí thiệt hại còn lớn hơn khi Pantsir-S1 không bảo vệ được chính bản thân mình trước đòn đánh dồn dập.

Trong khi đó các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung cho phép bố trí ở cự ly cách xa mục tiêu hơn.

Chúng có thể bao quát tới vài đối tượng cùng lúc mà xác suất bị hứng đòn tấn công trực tiếp từ chiến đấu cơ cũng thấp hơn.

Đối phó với cuộc oanh kích trên quy mô rộng thì Pantsir-S1 không thể tạo lập ô phòng không cho toàn bộ các cơ sở cần bảo vệ vì số lượng có hạn.

Có thể nó đã được tăng cường cho những vị trí trọng yếu như phủ tổng thống hay tổng hành dinh quân đội... còn những nơi khác buộc phải để cho các tổ hợp kia phụ trách.

Hiện tại đang có nhiều báo cáo khác nhau về kết quả tác chiến của phòng không Syria, có nguồn cho rằng chỉ 20 trên tổng số hơn 100 quả Tomahawk bị bắn rơi.

Trong khi đó lại có nguồn khác thông báo hầu hết tên lửa đã bị bắn chặn và thiệt hại chỉ ở mức tối thiểu.