|
Facebook có cảnh báo về vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng |
Năm mục lớn của tiêu chuẩn cộng đồng Facebook, bao gồm: Bạo lực và hành vi phạm tội: Gồm nội dung liên quan tới bạo lực, mua bán các sản phẩm cấm (súng, bom, ma túy,...) sẽ bị Facebook kiểm soát chặt chẽ; An toàn: Một trong những nội dung được Facebook kiểm soát gắt gao nhất là vấn đề về trẻ em, đặc biệt là liên quan đến hình ảnh nhạy cảm và bạo lực trẻ em. Điều này cho thấy Facebook đặc biệt quan tâm tới quyền trẻ em và góp phần bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội;
Nội dung phản cảm gồm các bài đăng chứa ngôn từ gây thù ghét, nội dung phản cảm và bạo lực, ảnh khỏa thân người lớn và hoạt động tình dục, gạ gẫm tình dục, độc ác và thiếu tế nhị; Tính toàn vẹn và tính xác thực: Nội dung bài đăng không đúng sự thật, xuyên tạc sự thật cũng được Facebook kiểm soát để tránh lan truyền thông tin xấu độc đến người dùng;
Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ: Các nội dung ăn cắp “chất xám”, vi phạm bản quyền được AI của Facebook quét liên tục và xử lý.
Theo thống kê của WhiteHat.vn, người dùng thường bị “bay nick” bởi vi phạm các nội dung phản cảm có nội dung liên quan đến ảnh khỏa thân người lớn và clip nhạy cảm: như đăng tải video, hình ảnh nóng, share các đường dẫn vào các trang web đen ...
Chẳng hạn như những bài viết dạng như: "Link 8 phút 9 giây cho anh em", "Em V. ngọt ngào hấp dẫn"; hoặc đăng tải các nội dung bạo lực, xâm hại trẻ em, ngược đãi phụ nữ người già…
Vụ việc nhiều người dùng Việt Nam “bay nick” vừa qua là một ví dụ cho thấy người dùng vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của mạng xã hội này.
Các tài khoản vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nếu nhẹ thì sẽ được Facebook gửi cảnh báo nhắc nhở, nặng hơn là có thể vô hiệu hóa tài khoản từ 3 - 30 ngày tùy lỗi vi phạm. Đặc biệt trong các trường hợp mà các vi phạm nghiêm trọng thì Facebook sẽ xem xét để xử lý theo pháp luật.
Hiện nay, khi các trang mạng xã hội đang tăng cường việc phòng, chống tin giả về dịch Covid-19, bảo vệ quyền lợi trẻ em... thì Facebook cũng đưa ra quyết định xử lý cứng rắn hơn rất nhiều.
Không chỉ lưu ý người dùng phải tuân thủ nguyên tắc cộng đồng của Facebook, các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo người dùng cẩn trọng với các dịch vụ “ăn theo” như: mua tick xanh, hỗ trợ lấy lại tài khoản Facebook, ăng lượng like, chạy quảng cáo… vì mỗi dịch vụ này đòi hỏi rất nhiều thông tin cá nhân của người dùng.
Trên thực tế, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các dịch vụ ăn theo này khi chưa tìm hiểu kỹ.
Do đó, bên cạnh việc cần bảo mật tài khoản 2 lớp cho tài khoản, bật chế độ nhận cảnh báo về những lần đăng nhập không nhận ra; không cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba thì người hoàn toàn có thể tự gửi hỗ trợ hoặc kháng nghị với kênh support của Facebook và làm theo hướng dẫn của Facebook mà không cần đến bên thứ ba can thiệp nếu bị cảnh báo.