Vì sao Ngân hàng Nhà nước không công bố room tín dụng và xếp hạng từng ngân hàng thương mại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng dựa trên tiêu chí xếp hạng ngân hàng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý không công bố room tín dụng cụ thể cũng như xếp hạng của từng nhà băng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện hạn mức (room) tín dụng 14% của năm 2022 đã được NHNN phân bổ gần hết cho các ngân hàng thương mại và không có chủ trương nới thêm room tín dụng năm nay do áp lực lạm phát, tỷ giá và lãi suất rất lớn. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.

Lãnh đạo NHNN cũng cho hay, đang tính toán cấp room tín dụng cho các tổ chức tín dụng năm 2023.

Dù khẳng định sức khỏe của ngân hàng chính là căn cứ đầu tiên để NHNN phân bổ room tín dụng, song Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho rằng, cơ quan này không công bố xếp hạng vì người dân sẽ lo ngại chuyện ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng Nhà nước không công bố room tín dụng cụ thể của từng ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước không công bố room tín dụng cụ thể của từng ngân hàng

Theo NHNN, việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định của NHNN tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN và đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Đồng thời, NHNN cũng áp dụng một số chỉ tiêu để cụ thể hóa chủ trương chỉ đạo của Chính phủ và điều hành của NHNN làm cơ sở điều chỉnh tăng hoặc giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng, như tiêu chí giảm lãi suất, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Ngay sau khi có kết quả xếp hạng mới nhất của các tổ chức tín dụng theo Thông tư 52, NHNN đã cập nhật chỉ tiêu tín dụng năm 2022 của các nhà băng và thông tin riêng đến từng nhà băng này.

Trước đó, tại Hội nghị về công tác điều hành tín dụng kéo dài tới 7 tiếng do NHNN tổ chức với sự tham gia của các tổ chức tín dụng hồi giữa tháng 9/2022, đa số các tổ chức tín dụng đồng thuận với việc điều hành tín dụng thông qua công cụ hạn mức tín dụng. Bởi nếu tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến nguy cơ chạy đua lãi suất giữa các tổ chức tín dụng và an toàn hệ thống.

Lãnh đạo nhiều tổ chức tín dụng cũng cho rằng cần phân bổ hạn mức theo chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, tránh việc phân bổ cào bằng. Và việc thông tin riêng đến từng tổ chức tín dụng mà không công khai là cần thiết vì phân bổ theo xếp loại không thể công khai ra công chúng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng.

NHNN cũng khẳng định, việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng không phải do hạn mức tín dụng mà một phần nguyên nhân do doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu chuẩn mực của tổ chức tín dụng.

Trong đó, NHNN chỉ ra những nguyên nhân chính. Thứ nhất, do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài khiến kết quả kinh doanh sụt giảm, số lượng doanh nghiệp bị dừng hoạt động lớn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống.

Hai là, phương án kinh doanh mới để khôi phục sản xuất - kinh doanh phụ thuộc nhiều yếu tố của thị trường, chính sách phát triển thị trường của các ngành, nhưng chưa bền vững.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng càng khó khăn hơn do các nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa (tài sản đảm bảo có giá trị thấp, tính minh bạch của hoạt động kinh doanh hạn chế, trình độ quản lý kém,…); các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.