Nền công nghiệp quốc phòng Nga đã sản xuất khoảng 2.100 xe tăng chủ lực các loại vào năm 2023.
Sự gia tăng sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực này diễn ra khi Nga phải đối mặt với hàng trăm lệnh cấm vận từ phương Tây, tuy vậy dường như nền công nghiệp quốc phòng Nga đã vượt qua được thử thách này trong năm 2023.
Ngay lúc này ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang phải vật lộn với thách thức đáng kể do thiếu nguồn nhân lực có trình độ.
Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất xe tăng và xe bọc thép. Mặc dù tăng lương và đưa ra các phúc lợi khác nhưng các nhà sản xuất này đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng thêm công nhân và kỹ sư.
Sự thiếu hụt lao động lành nghề này đặt ra trở ngại nghiêm trọng cho việc mở rộng năng lực sản xuất phương tiện quân sự của Nga.
Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine cũng là trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất xe tăng của Nga.
Chiến tranh đã gây ra tổn thất đáng kể về xe tăng, nhóm giám sát độc lập Oryx ước tính tổn thất của Nga lên tới gần 2.500 xe tăng.
Những tổn thất này không chỉ làm suy giảm đáng kể năng lực tăng thiết giáp Nga, mà còn gây thêm áp lực lên ngành sản xuất xe tăng để bù đắp các thiết bị đã mất trên chiến trường.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế, kỹ thuật quân sự do nhiều quốc gia áp đặt hiện đã gây trở ngại đáng kể đối với ngành công nghiệp quân sự Nga, và còn có thể tác động nặng nề trong thời gian tới.
Các lệnh trừng phạt này làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khả năng tiếp cận một số công nghệ cao và vật liệu quan trọng cho sản xuất xe tăng.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt này đã làm phức tạp các khía cạnh hậu cần và tài chính của hoạt động sản xuất xe tăng chiến đấu của Nga.
Cuối cùng là sự hao mòn của thiết bị công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, đặc biệt là xe tăng khi mà chúng đang phải hoạt động với công suất cao.
Nỗ lực tối đa hóa năng lực sản xuất vũ khí đang dẫn đến chi phí gia tăng, gây căng thẳng cho ngành công nghiệp Nga vốn đã đầy thách thức.
Kế hoạch của Nga sử dụng kho linh kiện và vật liệu dự trữ có sẵn để sản xuất vũ khí trong chỉ là giải pháp tình thế.
Điều này dẫn đến những thách thức lâu dài trong việc duy trì nguồn cung cấp thiết bị quân sự ổn định, có khả năng ảnh hưởng đến năng lực chiến lược của Nga.
Năm 2023, bất chấp những thách thức về kinh tế và sự phong toả về mặt chip công nghệ, ngành công nghiệp quân sự Nga vẫn có sản lượng xe tăng xuất xưởng ấn tượng.
Theo tuyên bố của ông Viktor Murakhovsky, chuyên gia quân sự Nga, ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã cung cấp cho quân đội Nga khoảng 2.100 xe tăng các loại, từ các mẫu cũ hơn như T-54/55, T-62 cho đến mới nhất T-90M Proryv.
Mức tăng này là đáng kể so với dữ liệu trước đó, cho thấy sản lượng hàng năm khoảng 200 xe tăng mới.
Cụ thể, năm 2023, quân đội Nga nhận được 210 xe tăng T-90M Proryv mới, so với chỉ 30 chiếc vào năm 2020. Họ cũng nhận tới 840 chiếc xe tăng nâng cấp T-72B3 so với 120 chiếc vào năm 2020.
Nga cũng quyết định khởi động lại việc sản xuất xe tăng chiến đấu T-80, mẫu xe tăng thời Liên Xô, chủ yếu do hiệu quả của nó trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Các xe tăng T-80BVM sau nâng cấp đã cho thấy những tính hiệu quả trong quân đội Nga.
Rõ ràng bất chấp hàng loạt thách thức to lớn, ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn cố gắng tăng cường sản xuất xe tăng và xe bọc thép trong năm 2023 với con số ấn tượng.
Tuy nhiên, nếu Nga muốn lặp lại kỳ tích này trong những năm tới, thì đây lại không phải điều dễ dàng khi nguồn cung linh kiện dự trữ cạn kiệt, thiếu nhân lực trình độ cao cũng như tài chính.