Vì sao Mỹ tiếp tục cự tuyệt chuyển "Đại bàng xám" MQ-1C cho Ukraine?

ANTD.VN - Mỹ tiếp tục cự tuyệt việc chuyển giao máy bay chiến đấu không người lái hạng nặng "Đại bàng xám" MQ-1C cho Ukraine bất chấp lời đề nghị được lặp lại nhiều lần từ phía Kiev. Động thái của Washington được cho là không muốn gây căng thẳng với Moscow.
Mỹ sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu không người lái (UAV) tiên tiến MQ-1C Gray Eagle (Đại bàng xám) cho Ukraine, bất chấp lời kêu gọi từ Kiev và nhóm thành viên lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ.
Theo các chuyên gia quân sự, động thái đó phản ánh giới hạn các loại vũ khí mà Washington sẵn sàng cung cấp cho quân đội Ukraine.

Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã kêu gọi Mỹ hỗ trợ UAV MQ-1C Đại bàng xám, một loại vũ khí tiên tiến có năng lực tấn công và gây sát thương mạnh mẽ.

Nhiều nghị sĩ ở Quốc hội Mỹ cũng ủng hộ Kiev, kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden sớm gửi loại vũ khí này cho Ukraine.
Hồi tháng 9/2022, 17 nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã hối thúc chính quyền Tổng thống Biden cung cấp cho Ukraine các UAV tấn công có thể bay trong hơn 24 giờ.
Tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu này do lo ngại việc cung cấp UAV này có thể làm leo thang xung đột và vượt "lằn ranh đỏ" mà Moscow đặt ra rằng Mỹ đang cung cấp vũ khí có thể nhắm vào các vị trí trong lãnh thổ Nga.
Mặt khác phía Mỹ cũng lo lắng rằng, công nghệ vũ khí UAV có thể bị đánh cắp trên chiến trường. Họ lo rằng, hệ thống camera gắn trên các UAV, có thể bị đánh cắp nếu các UAV này bị bắn hạ.
Mỗi chiếc MQ-1C bán cho lục quân Mỹ có giá xuất xưởng hơn 20 triệu USD, chưa tính chi phí phát triển và trang bị vũ khí.
MQ-1C Gray Eagle là máy bay không người lái tầm xa, hoạt động ở độ cao trung bình được hãng General Atomics phát triển cho Lục quân Mỹ sử dụng trên cơ sở nâng cấp "thần chết" MQ-1 nổi danh.
Ước tính có khoảng hơn 200 chiếc MQ-1C đã được sản xuất theo đơn hàng từ Lục quân Mỹ.
UAV MQ-1C có chiều dài 8m, sải cánh 7m, cao 2,1m, trọng lượng cất cánh tối đa 1,6 tấn.
Dưới mũi máy bay được trang bị hệ thống ngắm mục tiêu đa quang phổ AN/AAS-52.
Như các thế hệ UAV khác của Mỹ, máy bay không người lái MQ-1C cũng thiết kế với đầu có không gian lớn để chứa hệ thống radar khẩu độ tổng hợp và chỉ thị mục tiêu di chuyển trên mặt đất AN/ZPY-1 STARLite.
Động cơ Thielert Centurion 1.7 165 mã lực đã được trang bị cho UAV này, giúp chúng đạt tốc độ tối đa 280km/h, hoạt động liên tục trên không 30 tiếng, trần bay 8.800m, tầm hoạt động 400km.
Nhà sản xuất Mỹ cho biết UAV MQ-1C có thể tấn công trực thăng cũng như xe tăng địch trong phạm vi 7,8 km.
Mỗi chiếc UAV khi chiến đấu có thể mang được đến 4 tên lửa chống tăng Hellfire, 4 bom liệng GBU-44/B cũng như có thể trang bị cả tên lửa không đối không Stinger.
Trong đó Hellfire là tên lửa không đối đất được thiết kế cho mục tiêu chính là diệt xe xe tăng, cũng như tiêu diệt công sự phòng ngự kiên cố, mục tiêu giá trị cao.
Một quả tên lửa chỉ nặng 45-49 kg, mang đầu đạn chống tăng 9kg hoặc đầu đạn công phá 8kg, tầm bắn hiệu quả 500m đến 8 km, tốc độ bay 1.591km/h, trang bị bộ radar sóng mm hoặc dẫn đường laser bán chủ động.
Tên lửa không đối không AIM-92 Stinger là biến thể của tên lửa vác vai FIM-92 trang bị đầu dò hồng ngoại bị động, tầm bắn 8 km, đầu nổ phá mảnh 3k g.
GBU-44/B Viper Strike là bom liệng thông minh dẫn đường GPS và laser được phát triển cho nhiệm vụ chống tăng, các công sự phòng ngự, mục tiêu giá trị cao.
Bom này nặng 20kg, sải cánh 0,9m, mang đầu nổ chống tăng HEAT 1,05kg, bán kính lệch mục tiêu dưới 1m
Với thời gian bay liên tục lên tới 30 giờ cùng khả năng mang theo các tên lửa đối không hoặc đối đất với tổng trọng lượng vũ khí lên tới 553kg, MQ-1C là cơn ác mộng trên không đối với lục quân đối phương.