Vì sao Mỹ, Đức đe dọa ngừng cấp tên lửa Patriot cho Ukraine?

ANTD.VN - Truyền thông Đức nói rằng Berlin và Washinton dường như đã phát đi cảnh báo ngừng cấp tên lửa Patriot cho Ukraine vì Kiev đã sử dụng vũ khí này không đúng theo quy định đã được thỏa thuận.
Tờ Bild của Đức cho biết, quân đội Ukraine dường như đã sử dụng hệ thống Patriot do Berlin viện trợ vượt quá mức tự vệ ít nhất một lần. Điều này được cho đã khiến cả Đức và Mỹ phản ứng, thậm chí cảnh báo cắt nguồn cung tên lửa Patriot nếu kịch bản này tái diễn.
Theo tờ Bild, Ukraine dường như đã sử dụng hệ thống Patriot trong một cuộc tấn công tự động. Điều này không đúng với quy định do Mỹ và Đức đặt ra lúc cấp cho Kiev hệ thống phòng không.
Theo thỏa thuận, Mỹ và Đức không cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào máy chiến đấu khi chúng vẫn còn trên không phận Nga.

Kiev phải chờ máy bay Nga ném bom, hoặc phóng tên lửa rồi mới được khai hỏa chống lại chúng trên không phận Ukraine.

Theo Bild, máy bay Nga tấn công hàng ngày tại khu vực Kharkov. Tính tới nay, Nga bắn, ném hàng loạt tên lửa, bom lượn, pháo xuống các mục tiêu của Ukraine.

Tuy nhiên, Kiev vẫn bị Mỹ và Đức cấm dùng vũ khí để đáp trả vì lo ngại chúng sẽ bay sang lãnh thổ Nga, khiến căng thẳng leo thang dữ dội hơn.

Rất nhiều căn cứ của Nga về lý thuyết nằm trong tầm tấn công của vũ khí Mỹ, Đức nhưng tới nay Washington và Berlin vẫn duy trì sự thận trọng chiến lược.

"Ukraine bị cấm sử dụng các hệ thống phòng không của phương Tây để chống lại các cuộc tấn công từ máy bay Nga ngoài lãnh thổ" tờ Bild viết.

"Kiev phải đợi cho đến khi máy bay Nga phóng tên lửa hành trình và chúng ở trên lãnh thổ Ukraine thì mới được tự vệ", tờ Bild cho biết.

"Quân đội Ukraine từng sử dụng hệ thống Patriot vượt quá mức tự vệ. Ngay lập tức, họ nhận được cuộc gọi từ Mỹ và Đức cảnh báo chấm dứt nguồn cung Patriot nếu điều này còn tái diễn", tờ Bild viết.
Tuy nhiên, sau 27 tháng Nga mở chiến dịch quân sự, một số quốc gia phương Tây đã bắt đầu nới lỏng quy định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga, ví dụ như Anh, Thụy Điển.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nhiều loại vũ khí của phương Tây sử dụng đạn dược của Mỹ sản xuất.

Mặt khác, Mỹ và Đức cũng là những bên viện trợ lớn nhất cho Ukraine, nên Kiev vẫn phải tuân theo nguyên tắc của Washington và Berlin đặt ra, mà hiện tại cả Đức và Mỹ đều chưa cho phép Ukraine sử dụng khí tài của mình để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Theo Bild, tới lúc này, mục tiêu của Đức và Mỹ về cơ bản vẫn giống như nhau: Chiến thắng cho Ukraine nhưng không khiến xung đột lan rộng vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tình hình phòng không của Ukraine ngày càng trở nên tồi tệ, khiến Tổng thống Volodymyr Zelensky gần đây nhiều lần đề nghị phương Tây chuyển thêm các khẩu đội tên lửa Patriot.

Tuy nhiên, vấn đề của phòng không Ukraine không nằm ở nguồn lực, ít nhất là trong ngắn hạn, mà là họ phải đối mặt với số lượng mối đe dọa trên không lớn tới mức không thể đối phó từ Nga.
Phòng không Ukraine từ trước đã gặp vấn đề bất cân xứng về số lượng, điều mà một vài khẩu đội Patriot bổ sung không thể giải quyết.
Ukraine chỉ sở hữu ba khẩu đội Patriot, trong đó một khẩu đội mất hai bệ phóng gần tiền tuyến do bị Nga tập kích khi di chuyển.
Theo tính toán của chính Tổng thống Zelensky, lưới phòng không chắp vá của Ukraine với các hệ thống từ thời Liên Xô, hàng viện trợ của Mỹ, NATO và sản phẩm nội địa chỉ đáp ứng được 25% yêu cầu tác chiến.

Tổng thống Zelensky nói phòng không Ukraine cần đến 25 khẩu đội Patriot để bao phủ không phận trên toàn lãnh thổ.

Con số này cao gấp 8 lần những gì Ukraine đang có và nhiều hơn hai lần sản lượng hàng năm mà Raytheon, hãng sản xuất tên lửa Patriot của Mỹ, có thể đạt được.

Khi Nga không ngừng tiến hành các cuộc không kích, lưới phòng không Ukraine sẽ ngày càng dễ tổn thương.

Moscow được cho là đang lợi dụng điểm yếu của phòng không Ukraine để tăng cường hoạt động trinh sát đường không nhằm phát hiện và phá hủy các mục tiêu chiến lược xa tiền tuyến, như hệ thống phòng không đắt tiền và nhà máy điện.

Trước tình trạng này, hệ thống Patriot vốn đắt đỏ lại càng dễ bị tổn thương do chúng thiếu các tổ hợp nhiều tầng để bảo vệ.

Khi hoạt động đơn độc, Patriot trở thành mục tiêu dễ dàng cho máy bay không người lái (UAV) có thể bay thấp và ngày càng tinh vi của Nga.

Do thiếu về số lượng, phòng không Ukraine cũng đối mặt với hạn chế về tầm bao phủ lẫn chiều sâu.
Patriot chỉ có thể bảo vệ phòng tuyến hoặc hạ tầng ở hậu phương của Ukraine, không thể làm cùng lúc hai việc.

Kể cả nếu thực hiện được, các khẩu đội Patriot của Ukraine khó lòng duy trì lâu điều này.

Ukraine gần đây nhận thêm một số đạn tên lửa Patriot, nhưng giới quan sát cho rằng, điều này chỉ trì hoãn chứ không thay đổi được thực tế nghiệt ngã trên chiến trường.

Số lượng hệ thống Patriot không phải yếu tố hạn chế khả năng bảo vệ nhà máy điện và hạ tầng trọng yếu của Ukraine, mà là việc họ có bao nhiêu đạn tên lửa.

Vấn đề này đã xuất hiện trong loạt trận tập kích gần đây của Nga và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Phòng không Ukraine có thể đã lập danh sách mục tiêu chiến lược cần ưu tiên bảo vệ bằng tên lửa Patriot, trong đó không có các khu dân cư.

Để bảo vệ chúng, Ukraine cần kết hợp giữa các tổ hợp phòng không tầm thấp hơn, hệ thống tác chiến điện tử và những biện pháp thụ động như hầm trú ẩn và còi báo động không kích.

Mỹ không đủ năng lực vật chất để khắc phục vấn đề liên quan tới lượng đạn tên lửa Patriot của Ukraine trong thời gian ngắn sắp tới.

Khoản ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2024 của Mỹ có gần 30 tỷ USD chi cho phòng không, trong đó dành một phần để khắc phục điều này.
Tuy nhiên, khởi động dây chuyền lắp ráp và tăng năng suất chế tạo đạn tên lửa phòng không rất phức tạp.
Ngành công nghiệp phòng không của Mỹ nhiều năm rơi vào trì trệ do Washington chủ yếu đối đầu với các nhóm vũ trang không có khả năng tác chiến đường không ở Trung Đông. Vì thế họ đã không chú trọng vào sản xuất các loại khí tài chuyên dụng.

Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, bà Kajsa Ollongren cho biết nước này không muốn gửi một tổ hợp Patriot hoàn chỉnh cho Ukraine, thay vào đó cùng đối tác góp linh kiện lắp ráp.

"Chúng tôi đang thảo luận với các nước để lắp ráp tổ hợp Patriot và đào tạo kíp vận hành cho Ukraine", bà Kajsa Ollongren ngày 28/5 cho biết.

Hà Lan đang vận hành 4 tổ hợp Patriot để bảo vệ hải cảng Rotterdam, cơ sở có quy mô lớn nhất châu Âu.
Tuy nhiên, bà Ollongren khẳng định Hà Lan chỉ có thể cung cấp các linh kiện cốt lõi của tổ hợp Patriot đang có trong kho.
Giới chức Hà Lan đã xác định các quốc gia có thể đóng góp linh kiện và đạn tên lửa Patriot để lắp ráp thành tổ hợp rồi chuyển cho Ukraine.

"Chúng tôi phải sáng tạo. Các hãng quốc phòng đã cam kết đẩy nhanh sản xuất và cung cấp linh kiện thay thế, chúng tôi tin vào điều đó", bà Ollongren nói.

"Với sáng kiến của Hà Lan và việc các quốc gia tiềm năng có thể cung cấp linh kiện cùng đạn dược, chúng tôi có thể chuyển cho Ukraine ít nhất một tổ hợp hoàn chỉnh trong thời gian ngắn", bà Ollongren khẳng định.

Ukraine hiện đang tiếp tục đề nghị các quốc gia phương Tây cung cấp thêm tổ hợp Patriot trong lúc các đòn tập kích của Nga gây thiệt hại nặng cho hạ tầng năng lượng và cơ sở quan trọng.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia không muốn chuyển tổ hợp Patriot hoàn chỉnh cho Ukraine do lo ngại điều này sẽ tạo ra khoảng trống trong ô phòng không của họ.

Mối lo này đến từ việc tập đoàn Raytheon của Mỹ là hãng duy nhất chế tạo hệ thống Patriot và đang phải căng mình đáp ứng hàng loạt đơn hàng của nước ngoài.
Thời gian chờ đợi của mỗi đơn hàng có thể lên tới hơn hai năm kể từ lúc đặt mua cho đến khi nhận hàng.

Ukraine hiện đã nhận tổng cộng 3 hệ thống Patriot, gồm 2 tổ hợp của Đức và một từ Mỹ, kèm theo 4 bệ phóng riêng lẻ.

Phương Tây không công bố số lượng khí tài được chuyển giao, nhưng mỗi tổ hợp Patriot có thể được biên chế 4-8 bệ phóng.

Lực lượng Nga hồi tháng 3 tập kích trận địa phòng không của Ukraine ở tỉnh Donetsk, dường như đã phá hủy hai bệ phóng M901 thuộc tổ hợp Patriot.

Đòn tập kích này có thể đã xóa sổ 7-13% tổng số bệ phóng Patriot trong biên chế quân đội Ukraine.