Vì sao Mỹ đặc biệt lo ngại tên lửa ATACMS trong tay Quân đội Ukraine vào lúc này?

ANTD.VN - Không chỉ Nga, chính Mỹ cũng bày tỏ lo ngại việ tên lửa ATACMS trong tay Quân đội Ukraine vào thời điểm hiện nay vì vậy Washington chưa đồng ý chuyển giao.

Quân đội Ukraine đang đòi hỏi Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS, gọi vũ khí này là chìa khóa dẫn tới chiến thắng, nhưng chính quyền Tổng thống Biden đang tỏ ra lo ngại và vẫn phải từ chối yêu cầu nói trên từ Kyiv.

Không chỉ có thể tấn công quân Nga trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, tên lửa ATACMS đủ sức vươn tới những mục tiêu sâu trong Crimea và thậm chí ở Nga. Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng ông không muốn chiến tranh leo thang hơn nữa.

Được phát triển bởi "gã khổng lồ" quốc phòng Lockheed Martin, tên lửa dẫn đường tầm xa ATACMS trang bị đầu đạn WDU18, nặng 250 kg có khả năng tấn công mục tiêu vượt xa tầm bắn của đạn pháo hay rocket dẫn đường thông thường.

Tên lửa ATACMS sử dụng nhiên liệu rắn, đã đạt được thành công đáng kể cách đây hơn ba thập kỷ trong Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, và một lần nữa trong Chiến dịch Tự do Iraq.

Các tên lửa dẫn đường quán tính có thể hoạt động 24/7, trong mọi thời tiết, được sử dụng để chống lại nhiều mục tiêu khác nhau bao gồm trận địa phòng không, đơn vị tên lửa đất đối đất, khu hậu cần, trạm chỉ huy và điều khiển... của đối phương.

ATACMS Block 1 đã được xuất khẩu cho một số đồng minh của Mỹ bao gồm Bahrain, Hy Lạp, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE... Mặc dù khả năng đã được kiểm chứng, Mỹ vẫn liên tục nghiên cứu nhằm cho ra đời các biến thể nâng cấp mạnh hơn.

Tên lửa ATACMS có thể được bắn từ các bệ phóng di động M142 HIMARS hay M270 MLRS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, nhưng vấn đề vẫn là nơi những quả tên lửa như vậy có thể "hạ cánh".

Quân đội Ukraine cho biết vũ khí này rất quan trọng trong việc giành lại Crimea, nhưng Lầu Năm Góc phản bác rằng đạn rocket dẫn đường (GMLRS) đã được cung cấp cho Kyiv đủ sức tấn công các mục tiêu cần thiết.

Vẫn còn lo ngại về việc Ukraine có thể sử dụng ATACMS chống lại các mục tiêu mà Washington coi là "ngoài giới hạn" và bao gồm cả lãnh thổ bên trong Nga.

Để trấn an, Ukraine thậm chí còn cung cấp cho Mỹ đầy đủ và liên tục danh sách các mục tiêu dự kiến ​​của họ, và thậm chí trao cho Washington quyền phủ quyết đối với việc nhắm mục tiêu vào đất Nga. Nhưng mọi nỗ lực của Kyiv vẫn chưa mang lại kết quả.

Cũng có gợi ý lặp đi lặp lại rằng vũ khí trên thực sự là "quá mức cần thiết" đối với nhu cầu của Ukraine - và thực tế chiến trường hiện nay, tổ hợp HIMARS và các hệ thống khác hoàn toàn đủ sức đảm đương nhiệm vụ.

Trên thực tế, như tờ New York Times đã nhận xét, ATACMS chỉ thực sự cung cấp phạm vi tác chiến lớn và nó đi kèm với sự đánh đổi: Nó lớn hơn nhiều so với GMLRS, dài khoảng 3,9 m và đường kính 600 mm, với trọng lượng 1.360 kg.

Do đó, một bệ phóng di động như M142 HIMARS có thể mang 6 đạn GMLRS nhưng nếu thay bằng tên lửa chiến thuật ATACMS thì cơ số đạn chỉ là 2 quả, tức là số lượng mục tiêu tấn công cùng lúc giảm xuống chỉ còn 1/3.

Tuy nhiên, khi các thành phố của Ukraine phải đối mặt với làn sóng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái, có thể dễ dàng hiểu tại sao Kyiv lại muốn một thứ gì đó có thể tấn công trở lại bên trong nước Nga.

Theo nhận xét từ giới phân tích, đó chính xác là lý do tại sao Washington sẽ không đồng ý gửi tên lửa ATACMS cho Ukraine vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay.