Vì sao công ty chứng khoán không phải chịu trách nhiệm trong vụ Vạn Thịnh Phát?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Kết luận điều tra, Công ty chứng khoán TVSI không có thẩm quyền và trách nhiệm phải kiểm tra, giám sát về tình hình tài chính, mục đích phát hành, việc sử dụng tiền huy động vốn từ trái phiếu cũng như những vấn đề nội bộ của đơn vị phát hành trái phiếu…

Kết luận điều tra (giai đoạn 2) vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan cho thấy, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các bị can đồng phạm đã “luồn lách” quy định pháp luật về mua bán trái phiếu để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của hơn 35.000 cá nhân.

Cụ thể, thực hiện chủ trương của Trương Mỹ Lan về việc phát hành trái phiếu để huy động vốn, các đối tượng chủ chốt của Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán TVSI và các công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lợi dụng quy định tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với điều kiện giản đơn.

Công ty Chứng khoán Tân Việt không phải chịu trách nhiệm về 25 gói trái phiếu trong vụ Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan.

Công ty Chứng khoán Tân Việt không phải chịu trách nhiệm về 25 gói trái phiếu trong vụ Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan.

Theo đó, các Công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra đứng ra phát hành trái phiếu. Phương án phát hành trái phiếu được xây dựng dựa trên các hợp đồng ký khống giữa các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để nhà đầu tư tin tưởng có dự án khả thi.

Một nhóm công ty của Vạn Thịnh Phát sau đó đứng ra mua sơ cấp khối trái phiếu này, rồi bán lại cho các nhà đầu tư thứ cấp thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB. Đây là cách thức Trương Mỹ Lan và các đối tượng “lách” quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (phát hành trái phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư cá nhân), quy định tại Nghị định 90 90/2011/NĐ-CP. Hậu quả là có hơn 35.000 nhà đầu tư mua trái phiếu khống và bị chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Theo lời khai của bị can Trương Mỹ Lan, tranh thủ bữa cơm trưa tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị can này đã chốt chủ trương phát hành trái phiếu. Trong đó, giao cho ông Nguyễn Tiến Thành (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt - TVSI) phụ trách lập hồ sơ tư vấn, phát hành trái phiếu, thực hiện các trình tự, thủ tục hồ sơ về trái phiếu.

Ông Nguyễn Tiến Thành là người tiếp nhận chủ trương, bàn bạc với Trương Mỹ Lan và các nhân sự cấp cáo của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để lên phương án phát hành trái phiếu. Ông Thành cũng là người trực tiếp ấn định thông tin, chỉ đạo, điều hành các nhân viên dưới quyền thực hiện quy trình tư vấn, phát hành trái phiếu cho 4 công ty nêu trên.

Quá trình điều tra vụ án, dù ông Nguyễn Tiến Thành đã chết nhưng với kết quả điều tra, tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, hành vi của cựu Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm với Trương Mỹ Lan và liên đới trách nhiệm số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo việc khắc phục hậu quả vụ án, CQĐT đã ngăn chặn giao dịch hơn 8 triệu cổ phần TVSI và 2 tài khoản ngân hàng của ông Thành với số tiền hơn 380 triệu đồng. CQĐT cũng đã xác minh, làm rõ trách nhiệm của Công ty Chứng khoán TVSI.

Theo quy định tại Nghị định 163/2018-NĐ-CP, Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Công ty Chứng khoán TVSI với tư cách tổ chức tư vấn không có trách nhiệm phải kiểm tra, kiểm soát xem tình hình tài chính thực tế của doanh nghiệp có phù hợp với khối lượng, giá trị trái phiếu phát hành hay không. Doanh nghiệp chứng khoán này chỉ có trách nhiệm rà soát các điều kiện chào bán của tổ chức phát hành.

Về mục đích sử dụng tiền huy động vốn, các tổ chức phát hành trái phiếu tự sử dụng và tự chịu trách nhiệm. Tổ chức phát hành cung cấp báo cáo định kỳ cho đại diện người sở hữu trái phiếu cho đến khi sử dụng hết tiền thu từ việc phát hành trái phiếu và báo cáo định kỳ cho các cơ quan chức năng.

Công ty Chứng khoán TVSI với vai trò đại diện người sở hữu trái phiếu không kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tiền huy động vốn trái phiếu của tổ chức phát hành. Trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn thuộc về tổ chức phát hành và ngân hàng quản lý tài khoản (nếu có).

Trên thực tế, các công ty của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khi được lựa chọn để phát hành trái phiếu vốn là những doanh nghiệp đã có đủ điều kiện về Báo cáo tài chính, Kiểm toán... theo quy định pháp luật. Kể cả Công ty Setra cũng đã được các đối tượng “xử lý” báo cáo tài chính và kết quả kiểm toán năm gần nhất để đảm bảo đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP thì tổ chức tư vấn phát hành, bảo lãnh và lưu ký trái phiếu (TVSI) chỉ thực hiện việc tư vấn phát hành và các nghiệp vụ phát sinh theo hợp đồng.

Với những quy định pháp luật hiện hành, CQĐT kết luận, Công ty Chứng khoán TVSI không có thẩm quyền và trách nhiệm phải kiểm tra, giám sát về tình hình tài chính, mục đích phát hành, việc sử dụng tiền huy động vốn từ trái phiếu cũng như những vấn đề nội bộ của đơn vị phát hành trái phiếu.