Vì sao cao tốc 2 làn xe chỉ bố trí dải phân cách mềm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nay, các tuyến cao tốc 2 làn xe đều được bố trí dải phân cách mềm. Theo đánh giá của nhiều lái xe, việc bố trí dải phân cách mềm làm tăng nguy cơ rủi ro TNGT.

Cụ thể như, tuyến cao tốc Nội Bài- Lào Cai đoạn Yên Bái- Lào Cai dài 100km nhưng chỉ khai thác 2 làn xe và vạch sơn kẻ chia hai chiều đường mà không phải là dải phân cách cứng cố định hoặc di động như các tuyến cao tốc khác đã đưa vào sử dụng?

Ngoài cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hiện có 4 tuyến cao tốc 2 làn xe khác bao gồm: Cam Lộ - La Sơn dài 98km, La Sơn - Hòa Liên dài 66km, Hòa Lạc - Hòa Bình dài 26km, Thái Nguyên - Chợ Mới dài 40km cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo lý giải, quy mô đầu tư cao tốc phụ thuộc lớn vào nguồn lực được bố trí. Thời điểm quyết định đầu tư, dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn chỉ được cấp có thẩm quyền bố trí 7.900 tỷ đồng. Với số vốn này, Nghị quyết 52 của Quốc hội đã xác định, tuyến đường sẽ đầu tư phân kỳ quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m.

Theo tiêu chuẩn phân kỳ đầu tư, đường cao tốc 2 làn xe, có dải phân cách cứng phải có nền đường rộng 13,5m. Nếu mở rộng quy mô nền đường, tổng mức đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều số vốn được cân đối trước đó cho dự án nên giải pháp hình thành vạch kẻ liền phân tách làn đường, phương tiện chỉ được vượt ở những vị trí cho phép đã được tính tới.

Cao tốc Nội Bài- Lào Cai đoạn Yên Bái- Lào Cai dài 100km nhưng chỉ có 2 làn xe và dải phân cách mềm

Cao tốc Nội Bài- Lào Cai đoạn Yên Bái- Lào Cai dài 100km nhưng chỉ có 2 làn xe và dải phân cách mềm

Hơn nữa, thời điểm nghiên cứu dự án Cam Lộ - La Sơn, dự án La Sơn - Túy Loan nối tiếp cũng được xác định đầu tư 2 làn nên quyết định đầu tư 2 làn cũng được đánh giá là phù hợp và đồng bộ.

Cũng về vấn đề này, ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ Việt Nam) cho hay: Theo Tiêu chuẩn 4054:2005 về thiết kế đường ô tô quy định: Đường có từ 4 làn xe trở lên mới được làm dải phân cách cứng chia hai chiều xe chạy.

Tiêu chuẩn 4054:2005 là tiêu chuẩn gốc, đặt ra các nền tảng kiến thức như cách tính toán lưu lượng xe, bề rộng làn đường, mặt đường… Các tiêu chuẩn sau về thiết kế đường cao tốc hay đường giao thông nông thôn được phát triển từ đây. Việc xây dựng tiêu chuẩn cơ bản ở Việt Nam cũng có sự học hỏi, tiếp thu nội dung tiêu chuẩn của các nước tiên tiến.

Lý giải vì sao không đặt thêm dải phân cách cứng ở cao tốc 2 làn xe, ông Điệp cho hay, để đặt được dải phân cách cứng phải cần tối thiểu 1,5m ở giữa đường.

Theo Tiêu chuẩn thiết kế, làn đường hiện có chiều rộng là 3,4m tương ứng với tốc độ tối đa cho phép là 80km/giờ, nếu cắt đi để làm dải phân cách cứng sẽ thu hẹp lại, sẽ không đảm bảo cho xe chạy. Khi không may xảy ra sự cố tai nạn, dòng xe ùn ứ kéo dài, xe cấp cứu hay lực lượng chức năng sẽ không tiếp cận được hiện trường.

Nói về đề xuất lắp dải phân cách bằng cọc tiêu mềm phân chia làn ở cao tốc 2 làn xe (mỗi bên 1 làn), ông Điệp cho biết, vạch sơn liền là cấm phương tiện đi lấn làn, tuy vậy trong trường hợp nào đó, phương tiện vẫn dễ vượt qua. Cột tiêu mềm cũng điều chỉnh dẫn hướng cho người tham gia giao thông tại một số vị trí bắt đầu hay kết thúc đoạn 4 làn xe hoặc đi vào đường cong sẽ có hiệu quả hơn.

“Cục Đường bộ Việt Nam cũng đang tính toán đến giải pháp này, tuy nhiên, giá thành loại thiết bị này rất đắt, thêm nữa, tuyến cao tốc này sắp được đầu tư mở rộng nên trước mắt Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá phương án tổ chức giao thông trên cao tốc có 2 làn xe.

Từ đây sẽ điều chỉnh, bổ sung thêm các biện pháp nhằm đảm bảo ATGT như chuyển một số đoạn từ sơn nét liền sang nét đứt ở những vị trí đường thẳng, tầm nhìn thông thoáng, mở rộng phạm vi cho phương tiện vượt nhau.

Tại các điểm cần thiết sẽ bổ sung đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, bổ sung biển báo để người lái xe phân biệt khoảng cách an toàn giữa các làn xe”, ông Điệp cho hay.