- Bán hàng giả, hàng nhái, gần 600 gian hàng trên các website thương mại điện tử bị gỡ bỏ
- Vì sao xu hướng mua bảo hiểm sức khỏe trực tuyến "lên ngôi"?
- Shopee liên tiếp tăng phí đơn hàng thành công, khách hàng lo lắng
Cuộc chơi của các “đại gia”
Tháng 6-2019, người tiêu dùng yêu thích mua sắm trực tuyến thông qua các sàn TMĐT rất bất ngờ khi Viettel Post ra mắt sàn TMĐT Vỏ Sò tại địa chỉ voso.vn, lấn sân vào chiến địa của Shopee, Tiki và Lazada. Tương tự như các sàn khác, hàng hóa dịch vụ của tên tuổi mới này cũng hết sức đa dạng, gồm nhiều nhóm như hàng điện tử, gia dụng; máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng; ô tô, xe máy, xe đạp; thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe; thiết bị nội thất, ngoại thất; sách, văn phòng phẩm; hoa, quà tặng, đồ chơi; thực phẩm, đồ uống; dịch vụ lưu trú và du lịch…
Khách hàng có thể chọn phương thức thanh toán trực tuyến qua Viettel Pay hoặc giao hàng thu tiền (COD). Hình thức vận chuyển cũng sẽ do khách hàng quyết định, với 2 loại hình cơ bản: Chuyển phát tiêu chuẩn (dự kiến giao hàng từ 3 - 5 ngày) và chuyển phát nhanh (dự kiến 1 - 2 ngày). Được khai sinh bởi “ông lớn” Viettel Post, sự ra đời của voso.vn là một minh chứng cho thấy thị trường TMĐT Việt Nam đang hấp dẫn hơn lúc nào hết. Đương nhiên, khi thị trường có thêm một thành viên mới nhưng khá “máu mặt”, thì các sàn TMĐT cũ cũng buộc phải tìm ra chiêu thức marketing mới nhằm thu hút khách hàng. Điển hình trong số này có thể kể đến Tiki.vn.
Mới đây, sàn TMĐT này công bố dự án “Tiki đi cùng sao Việt”. Trao đổi với báo chí, đại diện Tiki.vn cho biết, tại dự án này, Tiki sẽ đồng hành cùng 100 dự án của nghệ sĩ trong năm 2019 này. Nổi bật vào tháng 9 sắp tới, Tiki cũng sẽ đồng hành cùng liveshow của nghệ sĩ Trường Giang tại Mỹ. Số tiền Tiki đổ vào dự án âm nhạc này chắc chắn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là, nếu coi trọng việc định hình rõ nét hơn tên tuổi của Tiki trong thói quen tiêu dùng của người Việt, tại sao Tiki chọn phương án đồng hành với các MV thay vì ưu đãi giảm giá, khuyến mại, tặng quà “khủng”?
Cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT đang rất khốc liệt, khó phân thắng bại. Điều này không chỉ thể hiện mỗi sàn sẽ lôi kéo được bao nhiêu khách hàng tham gia mà còn ở chỗ họ sẽ chịu lỗ được bao lâu.
Ông Lưu Thanh Phương - một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT
Lý giải về quyết định đầu tư này, ông Trần Ngọc Thái Sơn - nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT cho hay: “Tiki luôn chăm sóc khách hàng của mình bằng những dịch vụ tốt nhất, giá hấp dẫn nhất. Nhưng đối với chúng tôi vẫn chưa đủ vì còn thiếu một yếu tố quan trọng đó là tinh thần, âm nhạc chính là cách “chăm sóc” tinh thần mà Tiki chọn”. Thực tế hơn, với việc đầu tư cho hầu hết các MV lọt top Youtube Trending, trong đó có nhiều MV lọt top 1 Youtube Trending, như: “Bạc phận” (K-ICM ft. Jack), “Đừng yêu nữa, em mệt rồi” (Min), “Anh ơi ở lại” (Chi Pu), “Yêu được không?” (Đức Phúc)... thì Tiki đang muốn chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam.
Không nằm ngoài cuộc đua giành thị phần này, năm 2018, trong khi Lazada tích cực đầu tư theo chiến dịch, tập trung vào qúy I với dịp Tết Nguyên đán, sinh nhật Lazada và quý IV với Sale 11-11, Black Friday, Cyber Monday, 12-12 Sale... thì Shopee khuyến mại tương tự nhưng nhường hẳn mặt trận truyền thông, quảng cáo cho đối thủ. Năm 2019, Lazada công bố hoàn tất việc tích hợp cơ sở hạ tầng công nghệ từ Alibaba thì Shopee “câu kéo” người dùng bằng chiến lược phát triển ứng dụng riêng cho mỗi nước. Tại Việt Nam, Shopee tung tính năng giao hàng 4 giờ, mang dáng dấp từ dịch vụ giao hàng 2 giờ của Tiki. Shopee còn đều đặn tặng mã giảm giá và mã giao hàng miễn phí cho người dùng. Với một thị trường “mê” mã giảm giá và miễn phí giao hàng như Việt Nam, chiến lược đã phát huy hiệu quả.
Càng hấp dẫn, càng khó phân thắng bại
Báo cáo chỉ số TMĐT 2019 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) mới công bố gần đây cho thấy, quy mô thị trường năm 2018 ở mức 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Tương tự như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng là một kênh được coi là hiệu quả với chi phí phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh…
Nhận định về thị trường TMĐT Việt Nam, đại diện Shopee cho hay: “Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng Internet và gần 50 triệu khách thuê bao sử dụng điện thoại thông minh cho thấy tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam rất lớn. Chúng tôi kỳ vọng, trong những năm sắp tới, tốc độ phát triển của TMĐT Việt Nam sẽ nhanh hơn và trở thành kênh thương mại tiện lợi cho cả người mua và người bán”.
Tuy vậy, nhìn vào động thái của các sàn TMĐT lớn trong thời gian gần đây có thể thấy, dù không ngại công bố những dự án hàng tỷ đồng nhằm giành thị phần, song vẫn rất khó phân thắng bại bởi lẽ đa số các sàn này đều đang lỗ. Để cắt lỗ, họ buộc phải thực hiện những chính sách khác nhau với người tham gia. Những chính sách này sẽ khiến người tham gia cân nhắc đứng về sàn nào. Chẳng hạn mới đây, Shopee thông báo tăng phí đối với đơn hàng thành công từ 1% lên 2%, áp dụng từ ngày 1-7. Chỉ trước đó 3 tháng, từ ngày 1-4, sàn TMĐT này đã chuyển từ chính sách miễn phí đối với người bán hàng lên thu phí ở mức 1%.
Trong khi đó, cuối tháng 4-2019, Sendo tranh thủ công bố chiến lược duy trì chính sách miễn phí thanh toán cho các nhà bán hàng với mọi phương thức thu hộ tiền mặt, thanh toán qua thẻ và ví điện tử, thay vì thu phí 1-2% như một số sàn khác. Thứ hạng của các sàn TMĐT tại Việt Nam cũng thay đổi liên tục, từ chỗ Lazada đang dẫn đầu, đến cuối quý I-2019, Shopee là sàn thương mại có vị trí số 1 với 40 triệu lượt truy cập web mỗi tháng, theo sau là Tiki với hơn 35 triệu và Lazada ở mức 29 triệu (theo xếp hạng của một tổ chức quốc tế).
Ông Lưu Thanh Phương - một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cho rằng, cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT đang rất khốc liệt, khó phân thắng bại. Điều này không chỉ thể hiện mỗi sàn sẽ lôi kéo được bao nhiêu khách hàng tham gia mà còn ở chỗ họ sẽ chịu lỗ được bao lâu. “Khi sàn miễn phí tức là họ đang chịu lỗ, vì chẳng có “bữa ăn nào miễn phí”. Chẳng hạn, Shopee bán 1 chiếc áo từ miền Nam ra miền Bắc, phí thông thường khoảng 35.000 đồng/đơn, nhưng người nhận ở miền Bắc đi vắng, hàng sẽ được gửi trả lại mà không mất phí.
Khi đó, Shopee sẽ lỗ 70.000 đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ này chưa bao gồm chi phí marketing, quảng cáo, khuyến mại, nhân viên, mặt bằng, thuế... Nhưng vì sao họ vẫn tiếp tục đầu tư và chịu lỗ? Bởi vì mỗi sàn luôn có một khoản tiền dư ra để đầu tư, đến khi nào “khô máu” thì dừng lại” - ông Lưu Thanh Phương phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, thu phí thanh toán với đơn hàng thành công chính là một trong những giải pháp để doanh nghiệp cắt lỗ. Theo đó, mức phí sẽ không dừng lại ở 1% hay 2% như hiện tại, mà còn có thể tiếp tục tăng. Đến mức nào đó, khi khách hàng không chịu nổi, sàn sẽ giảm nhẹ phí hoặc để khách hàng chuyển sang sàn khác kinh doanh. Tuy nhiên, dù có lỗ nghìn tỷ và bù lỗ bằng cách thu tiền lẻ, song doanh nghiệp TMĐT vẫn ra sức cạnh tranh vì họ thường đi một nước cờ mới. “Khi có lượng người dùng lớn, đơn hàng thành công cao, doanh thu ngày một tăng… họ bán lại cho nhà đầu tư khác với mức giá gấp đôi, gấp ba và thu lời hàng nghìn tỷ” - một chuyên gia về TMĐT cho biết.