Vì sao binh lính Ukraine gặp khó khăn với 'sát thủ diệt tăng' Javelin từ Mỹ

ANTD.VN - "Sát thủ diệt tăng" Javelin đã chứng minh tính hiệu quả trên chiến trường Ukraine, tuy nhiên đây cũng là loại vũ khí hiện đại và phức tạp khiến nhiều binh sĩ Ukraine gặp khó khăn khi vận hành. 
Mỹ đã gửi số lượng lớn "Sát thủ diệt tăng" Javelin đến Ukraine, nhưng binh sĩ nước này không được hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ khiến cho việc vận hành gặp trục trặc, nhất là trong chiến đấu.

Một số đơn vị quân đội Ukraine đang đối mặt với vấn đề cấp thiết, đó là việc họ không được đào tạo chuyên sâu trong việc vận hành và sửa chữa các bệ phóng tên lửa Javelin mỗi khi chúng gặp trục trặc. Họ buộc phải nhờ sự trợ giúp từ các tình nguyện viên người Mỹ.

"Phương án được áp dụng là tháo linh kiện điện tử từ một tay cầm chơi game để sửa một tổ hợp Javelin", Mark Hayward, cựu lính lục quân Mỹ và tình nguyện viên chiến đấu ở Ukraine, cho hay.
Những bệ phóng khác được cho là bị hỏng và không thể bắn, đến khi các tình nguyện viên Mỹ phát hiện ra rằng công cụ Google Dịch đã không chuyển ngữ đúng hướng dẫn sử dụng tên lửa Javelin cho binh sĩ Ukraine. Vì thế họ đã vận hành sai cách dẫn tới hỏng hóc.
Ông Hayward bày tỏ thất vọng khi cho rằng Lầu Năm Góc đã vội vàng cung cấp hơn 5.000 tên lửa Javelin cho Ukraine, nhưng không có thêm hành động để bảo đảm lực lượng vận hành chúng được hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.
Nhiều chỉ huy Ukraine và tình nguyện viên phương Tây cũng có chung nhận định cho rằng, quân đội Ukraine đang thiếu những yếu tố cơ bản đi kèm với hệ thống Javelin như thiết bị huấn luyện, pin điện dự phòng và hỗ trợ hậu cần kỹ thuật.
"Mỹ không có dịch vụ chăm sóc khách hàng vào thời chiến. Mỹ gửi khí tài, nhưng phải chăng đã quyết định không hỗ trợ kỹ thuật cho bên nhận?", ông Hayward đặt câu hỏi.
Tên lửa Javelin hiện đại và phức tạp hơn nhiều so với các loại tên lửa chống tăng vác vai thông thường.
Bộ điều khiển phóng (CLU) của nó cần nguồn pin điện và làm mát bằng khí trơ, đồng thời đi kèm tài liệu hướng dẫn sử dụng dài tới 258 trang.
Ông Hayward nói rằng những tên lửa Javelin Mỹ gửi đến Ukraine không kèm tờ hướng dẫn binh sĩ gọi vào đường dây miễn phí nếu vũ khí gặp trục trặc hoặc cần bảo dưỡng.
Ông đã mở nhiều thùng chứa Javelin nhưng không thấy tài liệu này, trong khi binh sĩ trong nhiều đơn vị Ukraine nói rằng họ không biết tới đường dây hỗ trợ kỹ thuật cho tên lửa.
Hồi tháng 3, trong lúc đứng lớp huấn luyện vận hành tên lửa Javelin, Hayward nhận được cuộc gọi từ một binh sĩ đang tham chiến ở đông nam Ukraine.
Người này cho biết phải nấp sau một ngọn đồi nhỏ để tránh hỏa lực từ xe tăng Nga, sau khi cụm CLU gặp trục trặc khiến anh ta không thể khai hỏa được tên lửa.
Nhưng ông Hayward không thể chẩn đoán lỗi của hệ thống tên lửa qua điện thoại và người lính Ukraine phải bỏ chạy. Không rõ số phận của người lính này sau đó thế nào.
"Các trung tâm hỗ trợ khách hàng là yếu tố quan trọng khi binh sĩ Mỹ không thể tự chẩn đoán và sửa lỗi với vũ khí. Thật khó chấp nhận việc chính quyền Tổng thống Joe Biden không cung cấp hỗ trợ này cho Ukraine", Hayward nói.
Bộ Quốc phòng Mỹ không phản hồi câu hỏi về quy mô hỗ trợ hậu cần kỹ thuật cho quân đội Ukraine, cũng như liệu thông tin về đường dây nóng có bị gỡ bỏ trước khi chuyển tên lửa cho Ukraine hay không.
Những tổ hợp Javelin chuyển cho Ukraine cũng không kèm theo hai cụm thiết bị được lục quân Mỹ coi là thành phần không thể thiếu trong khóa huấn luyện vận hành tên lửa.
Đầu tiên là khí tài hướng dẫn chi tiết quy trình khởi động và khai hỏa, thứ hai là bộ huấn luyện chiến thuật được lính Mỹ dùng để mô phỏng chiến đấu trong các cuộc diễn tập.
Thượng sĩ Chris Freymann, lính trinh sát Vệ binh Quốc gia bang Washington của Mỹ và trưởng nhóm chuyên gia đào tạo lính Ukraine sử dụng tên lửa Javelin cho biết, hạn chế lớn nhất của tổ hợp Javelin khi thực chiến tại Ukraine là CLU thường xuyên cạn pin.

Hệ thống CLU không chỉ có nhiệm vụ khóa mục tiêu và ra lệnh phóng, mà còn được dùng để theo dõi hoạt động của xe tăng đối phương từ xa.

Quá trình này tốn nhiều thời gian và làm hao hụt nhanh chóng dung lượng của khối pin đi kèm.

"Các pin điện nhanh chóng cạn kiệt, buộc binh sĩ Ukraine phải đấu nối CLU với ắc quy xe máy hoặc ôtô để tiếp tục chiến đấu", Freymann nói.

Nguồn dự trữ pin cho CLU của tổ hợp tên lửa Javelin tại Ukraine cũng rất hạn chế. Mỗi bộ pin có thể hoạt động trong 4 giờ sau khi sạc đầy, con số này giảm đáng kể nếu CLU vận hành để phóng tên lửa.

Các chỉ huy Ukraine phải cất pin trong tủ có khóa để bảo đảm chúng chỉ được dùng trong lúc chiến đấu, khiến binh sĩ dưới quyền gần như không có pin để huấn luyện.

"Không có pin thì hệ thống Javelin chỉ là cục chặn cửa nặng 25 kg. Chúng tôi phải dùng dây điện và băng dính đấu nối CLU với ắc quy xe hơi để duy trì huấn luyện. Đáng lẽ phải có những biện pháp tốt hơn. Không thể chỉ gửi vũ khí hiện đại cho họ rồi bỏ quên nguồn lực phù hợp cho huấn luyện", ông Hayward chia sẻ.