Vì sao 'bảo tàng bay' Tu-95 của Nga vẫn khiến Mỹ đặc biệt lo sợ?

ANTD.VN - Mỹ đến nay vẫn không thể xem nhẹ oanh tạc cơ Tu-95 vốn đã rất cao tuổi của Nga bởi sức mạnh nội tại ghê gớm của nó.

Oanh tạc cơ Tu-95 Bear thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 12/11/1952, nó chính thức được đưa vào hoạt động trong lực lượng hàng không tầm xa của Liên Xô từ năm 1956.

Tuy nhiên nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên của Tu-95 chỉ được thực hiện vào năm... 2015 , khi "Bear" phóng tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu mặt đất của tổ chức khủng bố IS ở Syria. Tương tự B-52 Stratofortress của Mỹ, Tu-95 vẫn còn phục vụ cho đến tận ngày nay trong không quân Nga.

Thậm chí Tu-95 dự kiến ​​sẽ tiếp tục phục vụ trong lực lượng hàng không vũ trụ Nga cho đến ít nhất là năm 2040,

Trang thông tin của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết: “Tu-95 Bear có lẽ là máy bay ném bom thành công nhất do Liên Xô sản xuất, phục vụ lâu dài trong nhiều vai trò và cấu hình khác nhau".

"Bear là oanh tạc cơ duy nhất đang hoạt động sử dụng động cơ cánh quạt nên cực kỳ bền bỉ, tốc độ chỉ kém hơn một chút so với máy bay ném bom động cơ phản lực tương đương”.

Về vấn đề tốc độ, FAS đã liệt kê các biến thể cơ bản của máy bay ném bom Nga, Tu-95M hay còn gọi là “Bear A” có tốc độ tối đa 925 km/h, trong khi Tu-95MS mang tên lửa hành trình đã được thử nghiệm trong chiến đấu, nó đạt tốc độ tối đa 830 km/h.

Theo ngụ ý của biệt danh Bear, đây là chiếc máy bay lớn: Trọng lượng cất cánh tối đa của nó là 190 tấn với chiều dài thân lên tới 49,1 mét và sải cánh là 50,1 mét, chiều cao ở đuôi là 13,4 mét.

Bear A có thể mang tải trọng vũ khí tối đa 12.000 kg. Máy bay có tầm hoạt động 13.200 km và được trang bị 4 động cơ turbine cánh quạt Kuznetsov NK-12MV. Tùy thuộc vào nhiệm vụ cụ thể, phi cơ có phi hành đoàn gồm 6 hoặc 7 người.

Khi tiến hành so sánh với B-52, giới chuyên môn giải thích, lý do khiến cả hai loại máy bay ném bom này vẫn phục vụ trong thời gian dài như vậy do chúng đều là những nền tảng linh hoạt. Trong trường hợp của Bear, 9 biến thể khác nhau đã được chế tạo.

Các phiên bản đặc biệt của Tu-95 bao gồm tình báo điện tử/trinh sát (TU-95RT/Bear D); chụp ảnh (Tu-95U/Bear E); tác chiến chống ngầm (Tu-142/Bear F); chuyển tiếp liên lạc tàu ngầm (Tu-142MR/Bear J); và thậm chí cả một biến thể chở khách có tên Tu-114.

Với độ bền lớn của khung thân do sử dụng vật liệu đặc biệt, những chiếc Tu-95 mặc dù đã chế tạo từ rất lâu nhưng chỉ cần hiện đại hóa hệ thống điện tử hàng không là năng lực tác chiến của nó còn vượt trội các phi cơ mới chế tạo.

Thông qua tên lửa hành trình Kh-101 hay Kh-555, Tu-95MS có thể tung đòn tấn công từ ngoài tầm bảo vệ của phòng không đối phương, khiến máy bay không phải tiến vào vùng nguy hiểm.

Mặc dù B-52 của Mỹ có thể mang tải trọng vũ khí lớn hơn Tu-95, nhưng một lĩnh vực mà máy bay ném bom Nga đánh bại đối thủ đến từ Mỹ chính là nó có pháo ở đuôi để tự vệ trước tiêm kích đánh chặn của đối phương.

Bear vẫn giữ lại hai khẩu pháo tự động 23 mm Gryazev-Shipunov GSh-23. Trên thực tế, vào tháng 7/2021, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video, trong đó có màn biểu dương sức mạnh bằng vũ khí này.

Các chuyên gia của FAS kết luận, mặc dù được xem như "viện bảo tàng bay" nhưng có lẽ không một đối thủ nào trên thế giới muốn chọc giận "con gấu" đáng sợ này.