Vì dự trữ vàng của Nga, Mỹ đang dần đánh mất quyền bá chủ

ANTD.VN - Dự trữ vàng của Nga khiến Mỹ rất khó tính toán trong việc gây ra áp lực kinh tế cần thiết lên Moskva.

Được công bố vào tuần này, nghiên cứu quản lý tài sản có chủ quyền toàn cầu hàng năm của Invesco (một công ty quản lý đầu tư toàn cầu với hơn 1,3 nghìn tỷ đô la tài sản) cho thấy những nước nắm giữ lượng lớn vàng dự trữ đang có lợi thế.

Vàng đã cho thấy vị thế lâu dài của nó như một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ lạm phát, biến động thị trường và bất ổn địa chính trị. Ấn bản tiếng Anh của UnHerd viết về điều này trong một bài báo của nhà phân tích thị trường Philip Cunliff.

Tuy nhiên nổi bật hơn là báo cáo từ các ngân hàng trung ương về việc chuyển dự trữ vàng từ nước ngoài (GGRs). Theo thống kê, có 68% quốc gia giữ dự trữ vàng trong nước vào năm 2022, tăng đáng kể so với mức 50% năm 2020.

Mặc dù giá vàng "nhảy múa" lên- xuống, nhưng thực tế là các ngân hàng trung ương đang cố gắng nhanh chóng mang vàng của họ trở về, cho thấy loại tài sản toàn cầu này đang trở nên khan hiếm.

Ngoài ra chúng ta cần đặc biệt lưu tâm đến hành vi của Mỹ, liên quan đến khối lượng dự trữ ngoại hối và vàng bị đóng băng của Liên bang Nga.

Xem xét tầm quan trọng của việc "quản lý" nền kinh tế thế giới của Mỹ cũng như nỗ lực duy trì quyền bá chủ của Washington, điều đáng thắc mắc là tại sao họ đóng băng tài sản của Nga. Tại sao họ mạo hiểm với vị trí "trọng tài" của nền kinh tế toàn cầu?

Mặc dù người Mỹ có thể đã phản ứng với các quốc gia đồng minh phương Tây của họ theo nhiều cách khác nhau, nhưng thật khó hiểu là tại sao Washington vẫn không thể hủy bỏ biện pháp đóng băng tài sản của Nga, vốn gây nguy hiểm cho chính họ.

Mỹ có thể đưa ra đủ loại lập luận để biện minh cho chính sách như vậy.

Nhưng bây giờ họ sẽ phải trả giá rất đắt, đó là đánh mất vị thế bá chủ trong tương lai gần.

Như nhà báo Cunliff viết, Mỹ đã thực sự biến từ một "trọng tài quốc tế" thành một kẻ phá hoại nền kinh tế toàn cầu. Trong mọi trường hợp, các biện pháp trừng phạt rất ít gây ra cản trở đối với Nga.

Việc Mỹ lựa chọn đối xử với Liên bang Nga - một nhà xuất khẩu hàng hóa và năng lượng hạt nhân ở mức độ công nghiệp hóa lớn - như thể đó là Libya, Serbia hoặc Iraq là sai lầm lớn.

Điều này cho thấy không chỉ sự thiếu tầm nhìn chiến lược hoàn toàn ở Washington, mà còn là một sự hiểu lầm, không nhận thấy tình trạng suy yếu cơ bản đối với sự thống trị của nước Mỹ.

"Câu hỏi dành cho những nước khác chính là: chúng ta sẽ phải làm gì với chủ nghĩa tư bản trong thời đại mà nước Mỹ không còn lãnh đạo nó nữa", nhà báo Cunliff tóm tắt.