Vết thương khó lành

ANTĐ - Hàng loạt các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp nước Mỹ sau những vụ bê bối của cảnh sát da trắng liên quan đến cái chết của các nạn nhân da màu cho thấy mâu thuẫn sắc tộc vẫn là vấn đề lớn của nước Mỹ.

Vết thương khó lành ảnh 1Giao thông New York ngày 4-12 tê liệt bởi cuộc tuần hành ủng hộ nạn nhân Eric Garner, người được cho là đã tử vong do bị cảnh sát khống chế mạnh tay

Nước Mỹ chưa hết bàng hoàng sau vụ một thanh niên da màu bị cảnh sát bắn chết ở thị trấn Ferguson hôm 9-8 thì tại vùng Phoenix ở bang Arizona, một viên cảnh sát da trắng đã nổ súng vào thanh niên da đen R. Brison do lầm tưởng đối tượng định rút súng trong túi ra chống cự.

Trước đó chưa đầy hai tuần, một cảnh sát da trắng cũng đã bắn chết thiếu niên da màu T. Rice, 12 tuổi, khi nhầm tưởng thiếu niên này cầm súng thật đe dọa người đi đường tại một trung tâm giải trí ở Cleveland. Tuy nhiên, điều tra sau đó cho thấy khẩu súng Rice cầm chỉ là đồ chơi nhái mẫu súng lục bán tự động. 

Hàng loạt vụ việc của cảnh sát Mỹ liên quan đến cái chết của những nạn nhân da màu đã khiến dư luận nổi sóng. Sự việc càng căng thẳng hơn khi những sĩ quan cảnh sát da trắng gây ra cái chết của những người da đen đều được tòa án tuyên bố vô tội. Điều đó phần nào cho thấy nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề với nước Mỹ. 

Người ta có thể dễ dàng nhận thấy nạn phân biệt chủng tộc tại các công sở, trường học, nơi có cả người da trắng và da màu cùng làm việc, học tập. Theo luật, các công ty tại Mỹ không được quyền phân biệt đối xử dựa vào sắc tộc hay giới tính, mà chỉ được đưa ra quyết định thuê hay không thuê lao động dựa vào năng lực. Nhưng thực tế, dù người da màu chiếm 37% lực lượng lao động Mỹ, hơn 2/3 trong số họ vẫn chỉ có thể kiếm được những việc làm chân tay. Và dù có được thuê, thì cùng làm một vị trí mức lương trung bình của người gốc Á, Phi hay Mỹ Latinh vẫn thấp hơn khoảng 10-20% so với người da trắng.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, những hành vi phân biệt chủng tộc như không thuê người da màu làm việc hay trả lương cho họ thấp hơn người da trắng đã khiến cho thu nhập và kéo theo đó là sức mua tiêu dùng của nhóm người này thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng. Hiện sức mua tiêu dùng của nhóm người da màu ở Mỹ là khoảng 4.000 tỉ USD/năm, nhưng con số này đáng lẽ có thể ở mức hơn 6.000 tỉ USD nếu như phân biệt chủng tộc không tồn tại.

Một con số thống kê do Cục Điều tra Liên bang Mỹ công bố cũng khiến người ta phải suy nghĩ. Trong năm 2013, đã có 461 người Mỹ bị cảnh sát bắn chết theo cách được coi là hợp pháp, trong đó đa số là người da đen. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hơn một thường dân bị cảnh sát Mỹ bắn chết. Trong khi đó, cảnh sát Đức vào năm 2011 bắn chết 6 người, còn cảnh sát Anh chỉ bắn chết 2 người. 

Năm 2008, ông Barack Obama lên nhậm chức, trở thành Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ. Sự kiện này đã làm dấy lên hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa người da màu và da trắng cũng như sự bình đẳng lớn hơn giữa các chủng tộc ở nước Mỹ. Nhưng xem ra, phân biệt chủng tộc vẫn là vết thương khó lành với nước Mỹ.