VCCI: Nên để doanh nghiệp tự cân nhắc quyết định chiếu phim sau 24h

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc giới hạn giờ chiếu phim từ 8-24 giờ hàng ngày tại rạp chiếu phim chưa phù hợp với phát triển kinh tế ban đêm, nhất là với một bộ phận người dân đô thị.

VCCI vừa góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (phần về điện ảnh).

Theo VCCI, quy định tại điều 1.3 Dự thảo (sửa đổi Điều 10 Nghị định 38/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính với hành vi phổ biến phim ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ hàng ngày tại rạp chiếu phim, địa điểm chiếu phim công cộng là chưa phù hợp.

Cụ thể, hiện chưa rõ căn cứ xử phạt hành vi này bởi lẽ, việc giới hạn thời gian hoạt động đang được quy định tại Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh công cộng, tuy nhiên, Quy chế này không điều chỉnh hoạt động của rạp chiếu phim.

“Không rõ việc xử phạt hành vi này được căn cứ dựa trên quy định pháp luật nào về giới hạn thời gian hoạt động”- VCCI nêu câu hỏi?

Thứ hai, quy định này chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế ban đêm. Việc lấy ý kiến của doanh nghiệp cho thấy, việc giới hạn hoạt động chiếu phim đến 24h khiến các doanh nghiệp buộc phải bố trí các suất chiếu tương đối sớm, nhiều khi không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của một bộ phận người dân thành thị, khiến doanh nghiệp mất đi một khoản thu nhất định.

Trong khi đó, Quyết định 1129/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã đặt ra yêu cầu chủ động phát triển kinh tế ban đêm để tận dụng tối đa thời gian, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài.

VCCI cũng cho biết thêm, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc đến thời gian tối đa mở cửa. Việc này có thể nhìn dưới góc độ kinh tế, theo đó, việc đầu tư rạp chiếu phim tốn rất nhiều chi phí nên các doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh bài bản, đúng pháp luật để đảm bảo bài toán doanh thu. Trong khi đó, việc duy trì các suất chiếu ban đêm thường tốn chi phí duy trì nhiều hơn so với ban ngày.

Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải tự tính toán bài toán kinh doanh vào ban đêm cho phù hợp, trong đó có việc mở suất chiếu đến mấy giờ và mở bao nhiêu suất. Cơ quan nhà nước có thể không cần can thiệp sâu vào hoạt động này của doanh nghiệp.

Về các nội dung liên quan đến bạo lực, khoả thân, tình dục, dự thảo quy định xử phạt hành chính với hoạt động điện ảnh có nội dung “kích động bạo lực, hành vi tội ác”, “hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, truỵ lạc, loạn luân”.

VCCI cho rằng quy định xử phạt với nội dung này là chưa thực sự phù hợp do các nội dung này trong phim thường đã được kiểm duyệt bởi một tổ chức được trao quyền theo quy định tại điều 27, điều 20 và điều 21 của Luật Điện ảnh. Mặt khác, nội dung liên quan đến bạo lực, khoả thân, tình dục được coi là nhóm tiêu chí quan trọng để phân loại phim.Do đó, phim sau khi được phân loại sẽ được coi là đáp ứng đủ điều kiện phổ biến.

“Nếu vì một lý do nào đó, phim vẫn có chứa các nội dung này, thì không nên coi đây là lỗi của doanh nghiệp và chỉ nên thực hiện dừng phổ biến, loại bỏ nội dung vi phạm theo quy định tại Luật Điện ảnh. Nếu không, các doanh nghiệp sẽ rất dễ có nguy cơ bị xử phạt, và các nhà phim sẽ có nguy cơ bị cản trở quyền tự do sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh các quy định về phân loại phim, cách hiểu và quan điểm về cảnh bạo lực, khoả thân, tình dục còn chưa thực sự tường minh”- VCCI nêu quan điểm.

Từ các phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ các nội dung trên khỏi dự thảo.