Vào tù vì cho kẻ xấu “giấu mặt” mượn tài khoản ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hám 10% trên tổng số tiền “chạy” vào tài khoản, Long và đồng bọn đã giúp sức cho những kẻ lừa đảo “giấu mặt”…

Ngày 24-9, TAND TP Hà Nội đưa Lê Đăng Long (SN 1988, trú ở xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) ra xét xử sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Và sau khi nghị án, HĐXX sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt bị cáo này 13 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố.

Theo hồ sơ vụ án, Lê Đăng Long, Trần Anh Tôn (SN 1990, quê Yên Bái), Dương Văn Tân (SN 1990, quê Thanh Hóa), Hoàng Công Đạt (SN 1997, quê Thanh Hóa) và Phạm Ngọc Sơn (SN 1991, quê Ninh Bình) là những đối tượng không có nghề nghiệp, thuê nhà sống không cố định trên địa bàn TP Hà Nội.

Tháng 6-2017, Trần Anh Tôn thuê phòng tại một khách sạn ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho cả nhóm ở. Thời gian này, Tôn nhận được điện thoại của một đối tượng tên Tân (người quen, hiện chưa xác định được nhân thân) hẹn ra quán nước nói chuyện.

Lê Đăng Long bị đưa ra tòa xét xử.

Gặp nhau, Tân giới thiệu Tôn làm quen với 2 thanh nhiên quê Thái Bình (hiện chưa xác định được nhân thân, lai lịch). Sau đó, hai thanh niên quê Thái Bình nói với Tôn họ có nhu cầu mượn tài khoản Ngân hàng để nhận và rút tiền làm ăn từ nước ngoài chuyển về.

Do không có tài khoản ngân hàng, Tôn nói sẽ liên lạc lại sau. Sau đó, Tôn về khách sạn nói lại câu chuyện trên với những thanh niên đang sống cùng mình. Nói xong, Tôn gọi điện lại cho hai thanh niên quê Thái Bình. Được họ hướng dẫn mang chứng minh thư ra ngân hàng mở tài khoản, nhóm của Tôn đã làm theo.

Hai thanh niên quê Thái Bình thỏa thuận sẽ cho nhóm của Tôn 10% trên tổng số tiền rút ra từ tài khoản. Thấy được hưởng lợi nhuận cao, Tôn, Long và những người còn lại đã đồng ý giúp sức cho hai thanh niên quê Thái Bình.

Sau nhiều lần nhận tiền bất minh cho 2 thanh niên Thái Bình nêu trên, nhóm của Tôn chuyển sang sử dụng tài khoản của Lê Đăng Long. Bởi Tôn hiểu, nếu tiếp tục dùng tài khoản của một người trong nhóm sẽ bị công an phát hiện nên đối tượng này bảo Long đi mở tài khoản để thực hiện việc nhận và rút tiền.

Do đang cần tiền ăn tiêu, Long đồng ý ngay. Sau đó, Long và đồng bọn đến mở tài khoản tại Ngân hàng MBbank. Mở xong, họ nhắn cho hai đối tượng người Thái Bình biết. Vài hôm sau, Lê Đăng Long thấy tin nhắn từ ngân hàng báo tài khoản của anh ta có 800 triệu đồng do chị Đặng Thị Quý Anh chuyển vào.

Long báo cho đồng bọn biết, rồi cùng Tôn ra ngân hàng rút tiền. Số tiền này được Tôn đưa cho hai đối tượng người Thái Bình và nhận lại 10% (tương đương 80 triệu đồng). Hưởng tiền bất chính, Tôn chia cho đồng bọn, trong đó Long được chia 2 triệu đồng.

Cũng theo hồ sơ vụ án, số tiền 800 triệu đồng “chạy” vào tài khoản của Long là của chị Đặng Thị Quý Anh (SN 1973, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trước đó, người phụ nữ này nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ nói rằng chị Anh đang nợ cước điện thoại gần 9 triệu đồng.

Tiếp đến, chị Anh bị nhóm đối “giấu mặt” dọa nạt rằng chị liên quan đến những đối tượng buôn bán ma túy vừa bị bắt giữ. Các đối tượng giả danh cán bộ tư pháp, công an để lừa đảo yêu cầu chị Anh kê khai tài khoản ngân hàng và chuyển tiền cho vào số tài khoản của Long, nếu không sẽ bị bắt giam.

Để chị Anh yên tâm, tin tưởng là thật, các đối tượng lừa đảo “giấu mặt” cam kết sẽ hoàn trả lại chị này tiền sau 24 giờ. Do lo sợ và lầm tưởng bọn người xấu nói chuyện qua điện thoại là những người thi hành công vụ nên chị Anh đã làm theo yêu cầu của chúng, dẫn đến bị chiếm đoạt tiền.

Trước khi Lê Đăng Long bị đưa ra tòa và phải nhận mức án nghiêm khắc nêu trên, hàng loạt đối tượng liên quan đến thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới mẻ này, trong đó có Trần Anh Tôn đã cũng bị pháp luật xử lý bằng những bản án tù đích đáng.