Vẫn là nửa vời

ANTĐ - Sau kỳ họp Quốc hội bàn và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như những vấn đề quốc gia đại sự, dường như cùng lúc HĐND hai thành phố lớn nhất cả nước và cũng là hai trung tâm, “đầu tàu” kinh tế của đất nước cùng họp bàn và đề ra những quyết sách quan trọng. Với những ưu thế, ưu đãi và điều kiện hơn hẳn các địa phương, Hà Nội và TP.HCM thường dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GDP, các chỉ tiêu kinh tế, đầu tư, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục. Thế nhưng đây cũng là “đầu tàu” những bức xúc về quy hoạch, xây dựng, môi trường, đặc biệt là vấn đề giao thông đô thị.

Bởi thế, kỳ họp của HĐND TP Hà Nội và TP.HCM không chỉ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của hơn 10 triệu người dân sở tại, mà còn được nhân dân cả nước theo dõi. Là hai thành phố đông dân nhất đồng thời cũng “hội tụ” những vấn đề nóng nhất của đô thị, nếu như những chủ trương, chính sách và giải pháp của hai đầu tàu này mang lại hiệu quả tốt đẹp sẽ giải được “bài toán” khó cho các đô thị trong cả nước. Các địa phương có thể “soi” vào Thủ đô hoặc TP.HCM như một “tấm gương”, một hình mẫu về quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình; quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông công cộng, cũng như hệ thống điện, nước, xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề quản lý dân cư, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.

Không cần giải thích dài dòng cũng có thể hiểu tính chất phức tạp và những khó khăn thách thức trong việc quản lý một thành phố sáu, bảy triệu dân lại là nơi tập trung cao độ các phương tiện giao thông, các cơ quan nhà nước, các công ty, ngân hàng, khách sạn và chen chúc tới 2.053 trường từ mẫu giáo đến đại học, 36 bệnh viện lớn chưa kể hàng chục siêu thị, trung tâm thương mại và “cõng” thêm hơn 160 chợ tạm, chợ cóc.

Trong khi đó, vận tải hành khách công cộng vẫn ì ạch, duy nhất chỉ có xe buýt nhưng cũng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô. Phương tiện giao thông cá nhân xe máy, ô tô con vẫn áp đảo và gia tăng mỗi năm từ 10-15%, chưa biết đến khi nào thì dừng. Hơn nữa quỹ đất dành cho giao thông động trong nội thành cả Hà Nội và TP.HCM đều quá thấp chỉ khoảng 7-8% đất xây dựng đô thị, trong khi số lượng ô tô ở Hà Nội vào khoảng 400.000 chiếc các loại và gần 4 triệu xe máy, còn TP.HCM gần gấp rưỡi. Xét về diện tích, dân số và một số chỉ số khác hai thành phố có sự khác nhau, tuy nhiên lại rất giống nhau về tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe, ngập úng, quá tải trầm trọng về giao thông công cộng, bệnh viện và các dịch vụ công cộng. Một chuyên gia về quy hoạch và quản lý đô thị nhận định, ùn tắc giao thông trong một thành phố lớn, thực ra chỉ là bề nổi dễ nhận thấy. Phần chìm rất sâu bắt nguồn từ quy hoạch đô thị và giao thông, xây dựng, dân số, phương tiện giao thông, ý thức và văn hóa đi lại. Cùng mắc một “căn bệnh” ùn tắc, cùng lúng túng tìm lời giải cho một “bài toán” khó, cả hai thành phố đều tìm đến những giải pháp khá giống nhau như phân luồng, bố trí lệch giờ, lệch ca, thu phí hạn chế phương tiện cá nhân…

Dư luận cử tri ở hai địa phương cũng như công luận dường như cùng có chung một nhận xét rằng, cho đến nay mọi giải pháp giải tỏa ùn tắc cả hai “đầu tàu” cũng chỉ là những giải pháp nửa vời, giải pháp tình thế mà tình trạng thì vẫn thế, thậm trí trầm trọng hơn. Giải pháp “phần ngọn” chẳng bao giờ giải quyết được tận “gốc” ùn tắc.