Vẫn còn kẽ hở

ANTĐ - Đối tượng V.V.T do nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với hàng xóm là anh Đ.V.D nên sau khi uống rượu, T đã mang dao đi tìm anh D để “nói chuyện”. Khi thấy D đang trùm chăn ngủ trên giường, T đã vung dao chém thẳng vào đầu của D. Nạn nhân may mắn thoát chết và chỉ bị đứt gân bàn tay do trong lúc bị tấn công, anh D đang gác tay lên trán.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra đã tạm giữ T đồng thời đưa D đi cấp cứu. Tuy nhiên, do nạn nhân nhận bồi thường từ gia đình T và đã từ chối giám định thương tật nên giống như nhiều vụ án tương tự, cơ quan thực thi pháp luật đã không có căn cứ để khởi tố V.V.T về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1, Điều 104 - Bộ luật Hình sự.

Thực tế, để hạn chế tình trạng dân sự hóa những trường hợp thương tích nặng, đã có rất nhiều đề xuất được đưa ra. Nhiều người cho rằng, để không bị lọt người, lọt tội và đảm bảo lợi ích của bị hại cũng như của cả cộng đồng, cần để việc khởi tố hành vi cố ý gây thương tích trở thành trách nhiệm của cơ quan tố tụng, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu của bị hại (hay người đại diện hợp pháp của bị hại) như hiện nay.

Trong những vụ án này, cần có thêm quy định bắt buộc nạn nhân phải thực hiện giám định thương tật; hoặc với những trường hợp đặc biệt, cơ quan điều tra cần được “trao” quyền sử dụng bệnh án của nạn nhân làm căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng. Đặc biệt, một số nhà nghiên cứu luật còn cho rằng, để người bị hại ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các quy định pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, cần cân nhắc, bổ sung hành vi từ chối giám định của bị hại vào Điều 308 - Bộ luật Hình sự (Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu).