Văn chương mạng hiện hữu là chuyện hợp quy luật

(ANTĐ) - “Văn học mạng là một sân chơi bình đẳng, không ai có thể cấm đoán và chèn ép, miễn là không vi phạm luật pháp. Điều cốt tử là tác phẩm của anh có thu hút được độc giả hay không”.

Văn chương Online (bài 1)

Văn chương mạng hiện hữu là chuyện hợp quy luật

(ANTĐ) - “Văn học mạng là một sân chơi bình đẳng, không ai có thể cấm đoán và chèn ép, miễn là không vi phạm luật pháp. Điều cốt tử là tác phẩm của anh có thu hút được độc giả hay không”.

Trang web của nhà thơ Trần Nhương thu hút khá nhiều người truy cập mỗi ngày
Trang web của nhà thơ Trần Nhương thu hút khá nhiều người truy cập mỗi ngày

Đó là quan điểm của  nhà thơ Trần Nhương - người vẫn hàng ngày sáng tác, làm việc bằng laptop, đã mở webside riêng nhưng vẫn cứ tự nhận mình là “chưa thông thạo công nghệ thông tin là mấy”. Những đánh giá của ông đã cho thấy văn chương mạng là thực tế không thể chối bỏ được và nó sẽ phát triển nhanh chóng. Báo ANTĐ xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Nhương về văn chương online.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm thay đổi thế giới một cách ghê gớm. Từ khi internet ra đời thì Trái đất như một mái nhà, các quốc gia giống như: “nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”. Hay nói một cách khác là ta đi du lịch nước ngoài mà không cần hộ chiếu, visa và vé máy bay.

Một kho kiến thức, văn hóa, khoa học kỹ thuật… đồ sộ ăm ắp đâu đó trên trời chỉ cần online là hiện diện ngay trước mặt ta. Cái đường truyền internet kỳ diệu mà thế kỷ trước các bậc thầy về khoa học viễn tưởng cũng khó tưởng tượng thì nay đã hiện hữu. Và tài nguyên vô tận của thế giới sẵn sàng phục vụ bạn đến từng chi tiết qua mấy chàng khổng lồ google, yahoo… Đó là chưa kể dù cách xa ngàn trùng ta vẫn có thể đối diện và tâm sự như đang cùng một bàn.

Cũng nhờ công nghệ siêu phàm đó mà các phương thức xuất bản truyền thống bị mất vị trí độc tôn. Văn học mạng ra đời đã tận dụng tối đa lợi thế công nghệ thông tin để xuất bản hàng triệu bản với tốc độ rất nhanh. Đó là một hình thức “truyền hình trực tiếp” khiến bạn đang ở bất cứ chân trời nào miễn là có internet là có thể đọc được tức thì. Theo kiểu truyền thống thì tác giả gửi tác phẩm đến nhà xuất bản, đến báo họ nghiên cứu xem có hợp khẩu vị không, nếu hợp thì biên tập, vi tính, in ấn mới phát hành.

 Quy trình này cần một thời gian cơ học nhất định. Với văn học mạng thì không. Một bài thơ vừa viết chỉ trong nháy mắt, enter một cái là đã tung ra khắp thế giới. Tất nhiên nếu bằng văn tự thì còn rào cản ngôn ngữ. Nhưng nếu là tranh, ảnh, âm nhạc thì ở đâu cũng thưởng thức được mà không cần thông dịch. Hiện nay văn học “giấy” của ta chỉ người trong nước và người Việt ở nước ngoài đọc. Vậy thì văn học mạng chỉ nói phạm vi trong nước và cho người Việt cũng đã tốt lắm rồi.

Văn học mạng do người viết tự chịu trách nhiệm, họ có thể tung lên mạng tác phẩm của họ mà không bị cắt xén, không bị ép theo khuôn khổ của trang báo, tập sách, định kỳ xuất bản.

Văn chương mạng trên thế giới có từ lâu. Ngay nước láng giềng Trung Quốc đã xuất hiện gần chục năm rồi, người ta còn xuất bản tác phẩm văn học qua cả điện thoại di động nữa. Văn học mạng là một sân chơi bình đẳng, không ai có thể cấm đoán và chèn ép, miễn là không vi phạm luật pháp. Điều cốt tử là tác phẩm của anh có thu hút được độc giả hay không.

Ở ta, một Trang Hạ đã làm “giám đốc” nhà xuất bản văn chương mạng mấy năm nay được hàng triệu người truy cập. Nhà thơ Vũ Hồng vuhong.com (Bến Tre) có lẽ là người đầu tiên mở website. Anh cho ra đời Quán nhỏ văn chương bên sông Hàm Luông từ năm 2002, nhưng chỉ đến năm 2004 mới thật sự hết “chạy thử”. Có thể kể tên các website sau đây: tranthanhgiao.com (nhà văn Trần Thanh Giao), thaibatan.com (nhà văn Thái Bá Tân), thunguyet.net (nhà thơ Thu Nguyệt), phongdiep.net (nhà văn Phong Điệp), lehuyquang.com (nhà thơ-họa sỹ Lê Huy Quang), lethikim313.com (nhà thơ Lê Thị Kim), vohong.de (nhà văn Võ Hồng), vannghelaxanh.com (nhà văn Nguyễn Đình Chính), nhitương.info (nhà văn Nhị Tường), lyhathao.com (nhà thơ Lý Hà Thao).

Đặc biệt nhất là nhà văn Trang Thế Hy, một ông già 83 tuổi tít tận Bến Tre đã cho ra mắt web của mình tại địa chỉ trangthehy.googlepages.com. Và một website mới tinh là của nhà thơ Võ Quê ở cố đô Huế là voquehue.com. Riêng tôi thì đầu năm 2007 này mới cho ra website trannhuong.com. Nếu so với các nhà văn miền Bắc thì tôi xếp thứ hai sau nhà văn Thái Bá Tân.

Các nhà văn làm weblog thì khá đông như: Nguyễn Quang Thân-Dạ Ngân, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Công Hùng, Hoàng Đình Quang, Anh Đào, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Tiến Hải, Hồng Ngát, Trịnh Thanh Sơn, Anh Đào, Nguyễn Anh Nông…

Khi mở website tôi hơi lo vì mình “văn cũng nhát, vẽ cũng dốt” thì ai ghé thăm. Rồi bạn bè văn nhân giới thiệu cho nhau số người truy cập ngày càng nhiều. Khi trang web Văn học sông Cửu long giới thiệu web của tôi thì các bạn phía Nam biết địa chỉ nên có lúc có tới 50 người cùng truy cập. Có ngày gần 1.000 lượt người ghé thăm cái web bé nhỏ của tôi. Ngày 26-3-2007 số lượt truy cập do đồng hồ tự động đếm được 10.000 lượt, đến ngày 9-5-2007 thì tròn 20.000 lượt.

Bạn đọc trong nước là chủ yếu nhưng bạn đọc nước ngoài cũng khá. Biết được như vậy vì có một website chuyên theo dõi các website trên toàn cầu. Khi gõ tên và mật khẩu web của mình là nó cho biết số truy cập từng ngày, từng tuần, từng tháng, quốc gia nào, thành phố nào, giờ nào, vào bao nhiêu thời gian. Nếu các bạn cần kiểm tra web của mình xin vào http//my.statcounter.com. Qua việc theo dõi này người quản trị mạng biết được thị hiếu bạn đọc thích gì, bài nào được đọc nhiều, chuyên mục nào bạn đọc ưa thích, từ đó mà điều chỉnh việc biên tập và post lên mạng. Còn một website chuyên xếp hạng thứ bậc các trang web dựa theo số lượt người truy cập. Đó là trang web: www.alexa.com.

Qua việc theo dõi tôi có thể kết luận rằng người đọc không phải chỉ mê văn hoá nghe nhìn, văn hoá đọc vẫn hiện hữu và đọc trên mạng càng gia tăng.

Xu thế văn học mạng đang dần dần thành một nhu cầu, nhất là những người trẻ tuổi bởi vì họ sinh ra cùng thời với internet, với computer. Làm việc trên máy tính sẽ phổ cập, laptop sẽ là một cuốn vở ghi chép hàng ngày, là dàn video… mà lớp trẻ luôn có bên mình.

Các nhà văn sẽ bỏ cách viết truyền thông bút giấy mà ngồi trước màn hình nghĩ đến đâu ghi ngay đến đó, chỉnh sửa và save lưu trữ luôn. Có ý kiến cho rằng viết văn bằng vi tính thì văn chương khô khan như dãy số. Hoàn toàn không phải thế, phương tiện làm việc hiện đại góp phần cho chúng ta cảm hứng hiện đại và tốc độ hơn.

(Còn nữa)

Trần Nhương