Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phùng Văn Dũng báo cáo tại hội nghị |
Sáng 30-8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 55-KL/TW, ngày 8/1/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phùng Văn Dũng cho biết, 10 năm qua, công tác phụ nữ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cùng sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; qua đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Thủ đô.
Đáng chú ý, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai hiệu quả. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 48,5%; tỷ lệ nữ có việc làm/tổng số người có việc làm là 48,79%; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 21,1%...
Đội ngũ cán bộ nữ của Thủ đô cũng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ trước, trong đó cấp thành phố đạt 19,7% (tăng 7,7%); 25% Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 24,13%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng tăng so với nhiệm kỳ trước từ 2,4% đến 11,2%...
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Lan Hương trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. |
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh; Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Trần Thị Phương Hoa; Đại tá Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà... đã phát biểu tham luận.
Các ý kiến tham luận nêu rõ các kết quả, dẫn ra những ví dụ cụ thể để cho thấy, nhờ sự chuyển biến mạnh về nhận thức bình đẳng giới mà vị thế, vai trò của phụ nữ Thủ đô ngày càng nâng cao trong xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, công tác phụ nữ được đặt trong tổng thể công tác chính trị của thành phố; được lồng ghép vào các chương trình, nghị quyết, cơ chế chính sách trên các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị |
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ trong tình hình mới, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để có sự quan tâm đúng hướng như đào tạo nghề cho lao động nữ.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy rà soát lại về quy hoạch đối với quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ để có chỉ đạo trong hệ thống chính trị thành phố bảo đảm chỉ tiêu theo quy định.
Riêng đối với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, cần quan tâm tập hợp, có các hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa đối với các đối tượng đặc thù như công nhân nữ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; hay phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo vệ trẻ em nữ.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, các cấp, các ngành phải quan tâm đồng thời đối với 3 nhóm đối tượng phụ nữ, tạo thế "kiềng 3 chân" trong công tác phụ nữ. Đó là nhóm đối tượng yếu thế, nhóm đối tượng đại trà và cả nhóm đối tượng tiên tiến, xuất sắc để lan tỏa, tạo khát vọng cho các đối tượng khác cùng phấn đấu vươn lên.
Cũng tại hội nghị, Hà Nội đã nêu 3 kiến nghị với các cơ quan trung ương liên quan đến công tác phụ nữ.