Uy lực "sát thủ diệt hạm" mới Mỹ dùng để đối đầu Nga - Trung Quốc

ANTD.VN - Hải quân Mỹ cuối cùng cũng đã đặt mua loại tên lửa chống hạm thế hệ mới thay thế cho tên lửa Harpoon đã sử dụng hơn 30 năm qua. 

Kể từ năm 1977 đến nay, hải quân Mỹ chỉ dựa vào tên lửa Harpoon làm vũ khí diệt hạm chính. Được phóng từ tàu tuần dương hoặc tàu khu trục, Harpoon có thể tấn công mục tiêu cách xa 120km, hạ thấp xuống độ cao cách mặt nước 10m nhằm tránh bị phát hiện bởi radar. 

Harpoon nặng khoảng 120kg, chứa đầu đạn nổ mạnh và rất hiệu quả do đó quân đội Mỹ còn phát triển cả phiên bản tấn công mặt đất của loại tên lửa này.

Có thể nói, sự chấm dứt chiến tranh lạnh và sụp đổ của Liên-xô đã khiến Mỹ không còn đối thủ xứng tầm trên biển suốt 25 năm qua. Tuy nhiên, đến nay, với sự nổi lên của hải quân Trung Quốc và Nga về cả chất và lượng, Mỹ buộc cũng phải có những bước phát triển tương đương, từ đó mà tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) ra đời. 

LRASM là tên lửa được phát triển dựa theo nguyên mẫu tên lửa không đối đất JASSM-ER của không quân Mỹ. Nó có khá nhiều điểm chung với những tên lửa chống hạm thế hệ trước, nhưng vượt trội ở khả năng tự dẫn và tầm bắn.

LRASM được ví như là một “vật thể bay thông minh”, có khả năng “tàng hình” trước radar, cùng với khả năng bay hành trình đoạn cuối ở độ cao sát mặt biển. Nó có phạm vi tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa tới 370km, tức là gấp 3 lần tên lửa Harpoon.

Tên lửa LRASM được trang bị đầu đạn nặng 453 kg đủ sức nhấn chìm các chiến hạm mặt nước có lượng giãn nước trên 10.000 tấn chỉ bằng một phát bắn duy nhất

Đặc biệt, Mỹ đã phát triển LRASM để nó có thể phóng từ các hệ thống Mk-41 tiêu chuẩn trên phần lớn các tàu tuần dương và khu trục hiện nay. Tên lửa Harpoon cũ không hề đặt vừa Mk-41 và luôn phải trang bị một tổ hợp phóng chuyên dụng.

LRASM ban đầu được điều khiển bằng hệ thống dẫn đường trên tàu và sau đó là bằng vệ tinh. Tên lửa có thể được lập trình để bay vòng quanh vật cản và phân biệt được những mục tiêu phi chiến đấu như tàu thương mại. 

LRASM thậm chí còn được trang bị trí tuệ nhân tạo nhằm cho phép chọn chuẩn xác mục tiêu quan trọng cần tấn công. 

Hải quân Mỹ vừa tuyên bố hợp đồng trị giá 68 triệu USD với nhà thầu quân sự Lockheed Martin nhằm mua 23 quả tên lửa LRASM đầu tiên 

Theo kế hoạch, trước khi kết thúc năm 2019, hải quân Mỹ sẽ trang bị LRASM cho các tàu khu trục hạm lớp Arghlei Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga. Nó thậm chí còn được trang bị lên cả các tiêm kích hạm như F/A-18E/F Super Hornet và máy bay ném bom B-1B Lancer nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến trên biển.