'Ưng biển' MV-22 Osprey được Mỹ huy động để trục vớt F-35C tại biển Đông

ANTD.VN - Mỹ điều ít nhất 4 máy bay "Ưng biển" MV-22 Osprey để tham gia nhiệm vụ trục vớt tiêm kích hạm tàng hình F-35C rơi ở Biển Đông hồi tuần trước.
Nhằm nhanh chóng trục vớt xác chiếc tiêm kích hạm tàng hình F-35C bị rơi ở biển Đông, Mỹ đã huy động các khí tài uy lực nhất trong đó có cả các máy bay "Ưng biển" MV-22 Osprey.

"Quá trình trục vớt chiếc F-35C bị rơi dường như đã bắt đầu", Viện nghiên cứu Sáng kiến Thăm dò Biển Đông (SCSPI) tweet hôm 29/1, trích dẫn các hình ảnh vệ tinh, đưa ra phán đoán.

Hải quân Mỹ hôm 24/1 thông báo tiêm kích F-35C Lightning II, máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất của nước này, đã rơi xuống biển do "sự cố hạ cánh" trên tàu sân bay USS Carl Vinson trong lúc đang thực hiện các hoạt động thường lệ.
Theo SCSPI, ít nhất 4 trực thăng CV-22 Osprey, mệnh danh "chim ưng biển", đã được triển khai từ căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Philippines.
Nơi những chiếc máy bay này hướng tới là "khu vực diễn ra cuộc tập trận trên tàu sân bay" ở biển Đông.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sáng qua (30/1) phát cảnh báo hàng hải rằng các hoạt động trục vớt đang được thực hiện tại một khu vực ở phía bắc biển Đông "cho đến khi có thông báo mới".
Vài ngày trước, một bức ảnh chụp chiếc F-35C nổi trên biển với vòm buồng lái mở tung xuất hiện trên diễn đàn Reddit và nhanh chóng lan rộng trên mạng.
Hôm 28/1, hải quân Mỹ xác nhận máy bay trong bức ảnh bị rò rỉ này, cùng với một video khác được chia sẻ trên Twitter, là tiêm kích F-35C gặp sự cố.

7 quân nhân, trong đó có phi công, bị thương sau sự việc. Hải quân Mỹ cho biết họ đang "thu xếp hoạt động trục vớt" chiếc máy bay gặp nạn.

Đây là tiêm kích F-35 thứ sáu bị phá hủy trong quá trình hoạt động, không tính đến những máy bay hư hỏng do sự cố trên mặt đất, cũng là chiếc F-35 thứ hai gặp nạn khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.

Tai nạn xảy ra trong lúc tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln diễn tập hiệp đồng trên Biển Đông từ ngày 23/1.

Tai nạn được coi là tổn thất lớn với lực lượng này, bởi mỗi tiêm kích tàng hình F-35C có giá hơn 117 triệu USD, chưa tính chi phí vũ khí đi kèm. Nếu tính cả vũ khí, giá mỗi chiếc F-35C có thể lên tới hơn 140 triệu USD.

Tờ Daily Mail của Anh nhận định Washington sẽ phải chạy đua với thời gian để thu hồi xác phi cơ trước khi nó rơi vào tay Bắc Kinh.

Đã có nhiều lo ngại nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm về tiêm kích F-35, loại khí tài phức tạp và bí mật hàng đầu trong biên chế Mỹ, nếu Trung Quốc hoặc Nga tiếp cận được xác máy bay.

Ngoài thiết kế tàng hình, mỗi chiếc F-35 đều được trang bị hàng loạt cảm biến và công nghệ điện tử mới nhất của Washington.

F-35C là phiên bản tiêm kích tàng hình được biên chế cho hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ, có nhiều đặc điểm khác mẫu F-35A/B và cũng là biến thể nặng nhất trong dòng F-35.

Dù Mỹ có xác định được chính xác vị trí máy bay F-35C bị rơi thì quá trình trục vớt cũng sẽ rất khó khăn, tuy vậy với tiềm lực hùng mạnh, Mỹ sẽ huy động hết khả năng cho nhiệm vụ này.
Trực thăng lai MV-22 Osprey là phiên bản hải quân được phát triển từ mẫu V-22 Osprey, đây là loại máy bay đặc biệt được Lầu Năm Góc phát triển từ năm 1983.
Loại máy bay này ra đời với mục đích tạo ra chiếc máy bay phản lực có thể hoạt động ở các địa hình nhỏ hẹp, từ trong rừng rậm cho đến các đường băng dã chiến cực ngắn và các tàu sân bay trực thăng nhỏ.
Lầu Năm Góc đã chi tới 56 tỷ USD cho toàn bộ chương trình phát triển, chế tạo chiếc máy bay đặc biệt này.
Với hệ thống động cơ và trang thiết bị phức tạp, cùng quá trình nghiên cứu và phát triển đắt đỏ, mỗi chiếc máy bay này có giá lên đến gần 100 triệu USD.
MV-22 Osprey là sự kết hợp hoàn hảo giữa một máy bay trực thăng và máy bay phản lực với tầm hoạt động rộng, tốc độ cao và khả năng vận hành linh hoạt.
Loại máy bay này có tốc độ tối đa 565 km/h, trần bay 7.520 m, tầm hoạt động 1.627 km hoặc 3.590 km với thùng dầu phụ.
Khi cất cánh thẳng đứng xong, máy bay sẽ xoay ngang cánh 90 độ để biến hình thành máy bay cánh bằng. Khi cần thiết chúng lại có thể gập cánh chứa hai động cơ lại ngang thân nhằm tiết kiệm diện tích.
Hệ thống điện tử và các cảm biến hiện đại trên máy bay cho phép cảnh báo các mối đe dọa đang nhắm tới cho phi công, để họ kịp thời có biện pháp đối phó.
MV-22 có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới hơn 27 tấn và tải trọng hữu ích lên tới 9 tấn.
Những chiếc MV-22 Osprey có thể chở theo 24 binh sĩ với quân trang đầy đủ, và khi cần có thể tăng lên tối đa 32 binh sĩ.
Ngoài ra chúng có thể cẩu cơ động các loại lựu pháo và xe thiết giáp hạng nhẹ lên các trận địa một cách nhanh chóng.
MV-22 Osprey được thiết kế để làm nhiệm vụ vận tải nên chúng chỉ được trang bị các súng máy cỡ nòng 12,7mm và 7,62mm.
Ngoài Mỹ thì còn có Nhật Bản cũng đang biên chế loại máy bay sở hữu thiết kế có phần siêu dị này.