Ukraine vẫn phải trông cậy vào tổ hợp phòng không Buk-M1 khi ứng phó với máy bay Nga

ANTD.VN - Tổ hợp phòng không Buk-M1 Ukraine viện trợ cho Gruzia đã bắn hạ 5 máy bay Nga trong cuộc chiến Gruzia hồi năm 2008, và hiện tại nó được cho là tác giả gây ra nhiều không ít chiến đấu cơ của Moskva trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Quân đội Ukraine mong muốn có tên lửa Patriot từ Mỹ, nhưng họ nhiều khả năng vẫn phải phụ thuộc vào các hệ thống tên lửa đất đối không cũ từ thời Liên Xô như tổ hợp phòng không Buk-M1.

Buk-M1 có thể đã lỗi thời nhưng người Ukraine không có quyền lựa chọn. Nó có hiệu quả không? Câu trả lời đã được thể hiện rõ cả trong quá khứ hồi năm 2008 lẫn hiện tại, khi Buk-M1 được cho là tác giả hạ gục cả tiêm kích đa năng Su-30SM lẫn oanh tạc cơ Su-34 của Nga.

Buk-M1 trở nên nổi tiếng bởi vì hệ thống phòng không này bị nghi ngờ đã được quân ly khai thân Nga sử dụng để bắn hạ một máy bay chở khách của Malaysia trên bầu trời Donbass khiến 298 người thiệt mạng vào năm 2014.

Tổ hợp phòng không thời Chiến tranh Lạnh này còn được gọi là “Beech” và NATO đặt cho biệt danh “Gadfly” . Buk đã cũ, phiên bản ban đầu của hệ thống này ra đời vào năm 1972 và được Quân đội Liên Xô chấp nhận vào năm 1980.

Tuy nhiên Buk rất linh hoạt và có khả năng bắn hạ cả máy bay chiến đấu lẫn trực thăng bay thấp của đối phương. Các phiên bản mới như Buk-M2/3 thậm chí tiêu diệt được máy bay không người lái hay tên lửa hành trình và đạn đạo.

Phiên bản Buk-M1 được vận hành bởi kíp chiến đấu 4 người. Hệ thống đặt trên khung gầm xe bánh xích, nó phóng tên lửa một tầng nhiên liệu rắn được gọi là 9M38 có chiều dài 5,5 m, trọng lượng 685 kg với đầu đạn nặng 70 kg, có thể tấn công các mục tiêu cách xa 20 km.

Vụ phóng mất khoảng 30 giây để thực hiện nếu phương tiện đã đứng yên. Trong trường hợp xe mang phóng tự hành đang di chuyển đến một vị trí khác, sẽ mất khoảng 5 phút để khởi chạy khi nó dừng lại.

Sau đó, kíp chiến đấu có thể kích hoạt động cơ trở lại để di chuyển đến một địa điểm mới trong vòng 5 phút nữa tùy thuộc vào chuyên môn và trình độ đào tạo của những người vận hành hệ thống vũ khí.

Tên lửa 9M38 dẫn đường bằng radar có độ chính xác ít nhất 70%. Không tồi đối với một hệ thống đã có tuổi đời hàng chục năm. Buk-M1 do Ukraine cải tiến có hệ thống điều khiển hỏa lực tấn công được 6 mục tiêu cùng lúc.

Hệ thống Buk-M1 mặc dù có niên đại và Lực lượng vũ trang Ukraine muốn thứ gì đó hiện đại hơn, tuy nhiên điều trớ trêu là việc nó vẫn thể hiện tốt trên chiến trường đã khiến mong ước của Kiev khó thành hiện thực.

Do một số thành công của Buk-M1 trong việc chống lại máy bay Nga, các nhà hoạch định chính sách của NATO và nhiều nguyên thủ quốc gia tin rằng hệ thống phòng không của Ukraine chỉ cần tăng cường tên lửa vác vai (MANPADS) tiên tiến là đủ.

Sau những cam kết từ Mỹ về việc sẽ thu gom các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 từ những quốc gia từng thuộc khối Warsaw để cung cấp cho Ukraine thì đối tượng tiếp theo có lẽ chính là Buk-M1.

Gói viện trợ này cũng tỏ ra hợp lý hơn nhiều so với Patriot, bởi binh sĩ Ukraine sẽ sử dụng được ngay nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của chiến trường thay vì phải mất thời gian dài đào tạo làm quen.

Nếu Mỹ có thể thuyết phục những quốc gia Đông Âu nhượng lại các tổ hợp Buk-M1 của mình thì dự báo lực lượng Không quân Nga sẽ còn phải đối mặt với nhiều cơn ác mộng trong tương lai.