Ukraine tiếc nuối khi 'tặng' Nga toàn bộ phi đội máy bay ném bom chiến lược

ANTD.VN - Phi đội oanh tạc cơ chiến lược nếu được Không quân Ukraine giữ lại chắc chắn sẽ gây rắc rối lớn cho Nga nếu giữa hai nước nổ ra xung đột vũ trang.

Ukraine đã mất toàn bộ phi đội oanh tạc cơ chiến lược, trong khi rất nhiều phương tiện do Kiev bàn giao vẫn tiếp tục phục vụ trong thành phần tác chiến của Không quân Nga.

Trên trang The Drive, nhà báo Thomas Newdick nhớ lại: "Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack, mà các phi công đặt cho biệt danh 'Thiên nga trắng' lần đầu tiên cất cánh cách đây 40 năm".

“Máy bay ném bom siêu thanh này là một biểu tượng của hàng không tầm xa Liên Xô, nó được tạo ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đang được hiện đại hóa và hiện Nga đang tiếp tục được sản xuất".

Tuy nhiên ít người ở phương Tây biết rằng có một thời, phần lớn các máy bay ném bom đại diện cho sức mạnh của hàng không chiến lược Nga ngày nay đều nằm trong tay Ukraine.

"Oanh tạc cơ chiến lược mang tên lửa Tu-160, át chủ bài của Không quân Liên Xô, được coi là loại máy bay uy tín nhất, nó được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân ném vào lãnh thổ kẻ thù và tấn công các mục tiêu quan trọng của NATO nếu xung đột vũ trang nổ ra", ông Newdick nói.

“Nguyên mẫu Blackjack bay vào năm 1981, và chiếc máy bay sản xuất hàng loạt đầu tiên cất cánh 3 năm sau đó,” tác giả bài báo nhắc lại và nói thêm: “Trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 184 đóng tại sân bay Priluki của Ukraine đã nhận được ngay 2 chiếc Tu-160”.

Sau khi Liên Xô tan rã, trung đoàn này có hai phi đội Tu-160 với tổng cộng 19 chiếc. Nhà quan sát Mỹ lưu ý: “Khi đó cộng đồng quốc tế thấy một nước Ukraine độc ​​lập, cùng với vũ khí hạt nhân".

Kiev sở hữu khoảng 1/3 tiềm lực hạt nhân của Liên Xô, ngoài tên lửa phóng từ trên không thì còn bao gồm cả các ICBM đặt trong silo. Tuy nhiên vào năm 1994, Ukraine đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và phá hủy tiềm lực của mình.

“Hơn nữa, Kiev không có đủ kinh phí để thường xuyên đưa những chiếc Tu-160 của mình lên không trung. Ông Newdick nói: "Thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật, phụ tùng và nhiên liệu cần thiết, các máy bay ném bom của Ukraine nhanh chóng hoạt động không hiệu quả".

Vào những năm 1990, Nga cũng gặp khó khăn với hàng không tầm xa. Tuy nhiên, Moskva đã quyết định chấn chỉnh tình hình. Điều này phần lớn bị ảnh hưởng bởi việc các lực lượng đồng minh NATO ném bom Nam Tư, chuyên gia Mỹ bình luận.

Năm 1999, Moskva ký một thỏa thuận với Kiev, theo đó họ mua 8 chiếc Tu-160 của Ukraine. Nhà báo Thomas Newdick cho biết: “Như vậy, Ukraine đã hoàn toàn chuyển giao quyền kiểm soát hầu hết các máy bay ném bom chiến lược cho Nga".

Trong số 19 chiếc Tu-160 của Ukraine, 8 chiếc được chuyển giao cho Moskva, 10 chiếc khác ngừng hoạt động và bị tháo dỡ. "Thiên nga trắng" duy nhất còn sống sót đã đến Bảo tàng Hàng không ở Poltava.

Một số phận tương tự cũng chờ đợi các oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 (NATO gọi là Bear). Kiev đã bán 3 trong số 24 máy bay ném bom thừa kế cho Moskva, số còn lại cũng bị cho ngừng hoạt động.

Về phần Nga, sau khi bổ sung phi đội máy bay ném bom của Ukraine, Moskva tiếp tục tăng cường tiềm lực cho hàng không tầm xa thông qua việc sản xuất quy mô nhỏ máy bay vào đầu những năm 2000.

Lịch sử của máy bay ném bom Tu-160 xuất xứ Ukraine nhanh chóng bị lãng quên. Ngày nay, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga tự hào sử dụng các oanh tạc cơ chiến lược Thiên nga trắng và cải tiến chúng.

Ông Newdick viết: “Quân đội Nga có tham vọng lớn đối với Tu-160. Các máy bay ném bom hiện đại hóa không chỉ nhận vũ khí mới. Chiếc Tu-160M ​​cải tiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2/2020, tích hợp động cơ NK-32-01 'không có sản phẩm tương tự trên thế giới'".

Tác giả của bài báo lưu ý, "Thiên nga trắng hiện đại hóa cho phép Nga tăng cường phi đội máy bay ném bom chiến lược trước khi xuất hiện người kế nhiệm - oanh tạc cơ PAK DA đầy hứa hẹn".

Nhà báo Newdick kết luận: “Xem xét những nỗ lực của các nhà thiết kế Nga nhằm hiện đại hóa Tu-160, chúng ta có thể nói rằng các máy bay ném bom chiến lược thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn đang hoạt động tốt và có lẽ Ukraine đang rất tiếc nuối vì điều này”.