Ukraine thiệt hại tiêm kích Su-27 ngay tại căn cứ Mirgorod?

ANTD.VN - Nga tuyên bố sử dụng tên lửa đạn đạo Iskander tập kích, phá hủy chiến đấu cơ Su-27 Ukraine ở căn cứ Mirgorod thuộc tỉnh Poltava.
"Không quân chiến thuật, máy bay không người lái (UAV), lực lượng tên lửa và pháo binh đã phá hủy một tiêm kích Su-27 triển khai ở căn cứ không quân Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 13/8.
Video từ UAV trinh sát tầm cao được công bố cùng ngày cho thấy đòn tập kích bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M nhằm vào sân bay quân sự Mirgorod.
Trong video, tiêm kích Su-27 Ukraine bị phát hiện tại bãi đỗ có công sự che chắn gần đầu đường băng. Quả đạn Iskander-M lao xuống và phát nổ bên cạnh máy bay, tạo ra đám khói trắng bao trùm một góc căn cứ.
Cột khói xám lớn bốc lên sau đó cho thấy nhiều khả năng đã xảy ra cháy lớn, có thể khiến chiếc Su-27 bị phá hủy hoàn toàn.
UAV Nga liên tục quần thảo và không có dấu hiệu bị ngăn chặn, dù sân bay Mirgorod nằm sâu trong hậu phương Ukraine và cách tiền tuyến khoảng 150 km.
Căn cứ Mirgorod là nơi đóng quân của Lữ đoàn Không quân Chiến thuật số 831 và 39 Ukraine, được biên chế gần 40 tiêm kích hạng nặng Su-27 trước khi chiến sự bùng phát.
Địa điểm này từng nhiều lần bị Nga tập kích dữ dội suốt một năm qua, gây thiệt hại nặng về khí tài và hạ tầng.
Đòn tấn công nghiêm trọng nhất diễn ra hồi đầu tháng 7, khi tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga được cho là phá hủy 5 chiếc Su-27 và làm hư hại thêm hai phi cơ đang sửa chữa.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, những chiến đấu cơ này thực chất là xác những chiếc Su-27 không còn hoạt động. Hiện các bên chưa lên tiếng về thông tin này.
Tiêm kích Su-27 là loại chiến đấu cơ hạng nặng có năng lực tác chiến mạnh mẽ nhất của không quân Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát.
Dù năng lực chiến đấu những chiếc Su-27 Ukraine không thể bằng Su-35 của Nga, nhưng loại máy bay này vẫn có thể tạo ra các đòn đánh đáng sợ.
Khi cuộc xung đột nổ ra, Nga đã tìm cách tiêu diệt không quân Ukraine, trong đó có việc nhắm việc tìm diệt những chiếc tiêm kích hạng nặng Su-27.
Được biết, sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine sở hữu một lực lượng không quân hùng mạnh với 4 tập đoàn quân Không quân và 1 tập đoàn quân Phòng không
Tổng cộng có 600 đơn vị với hơn 2.800 máy bay các loại. Nếu tính về số lượng máy bay thì Không quân Ukraine năm 1992 là lực lượng lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Ukraine đã được nhận 67 chiếc tiêm kích hạng nặng Su-27, 240 chiếc tiêm kích hạng nhẹ MiG-29, trong đó có 155 chiếc biến thể mới nhất lúc đó với hệ thống trang bị tác chiến điện tử hiện đại và mang được nhiều nhiên liệu hơn.
Tuy nhiên, tính cho tới thời điểm trước khi xung đột với Nga nổ ra, Không quân Ukraine chỉ còn sở hữu 187 máy bay quân sự các loại, sau tổn thất nặng nề tại chiến trường miền Đông hoặc đã bị thanh lý hoặc đưa vào "bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật".
Theo thông tin mới nhất thì Ukraine chỉ còn 16 chiến đấu cơ Su-27 ở trong tình trạng hoàn hảo, có nghĩa là chúng có thể chiến đấu được ngay. Điều gì đã xảy ra cho quốc gia từng sở hữu 67 chiến đấu cơ cực mạnh này?
Căng thẳng với Nga trong thời gian qua đã khiến nước này đang từng bước phục hồi loại chiến đấu cơ hạng nặng này, tuy vậy dù cố gắng nhưng Kiev vẫn chưa đạt được những thành tựu đáng kể.
Cái khó khăn nhất đối với Ukraine không phải là công nghệ, bởi do nước này vẫn đang giúp các quốc gia khác bảo trì và nâng cấp tiêm kích Su-27; cái chính yếu vẫn là ngân sách.
Tiêm kích Su-27 được đánh giá là một trong những tiêm kích thế hệ thứ 4 thành công nhất thế giới.
Trải qua thời gian với những nâng cấp, loại máy bay này vẫn đang là một trong những chiến đấu cơ đáng gờm nhất thế giới.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante ngày 24/5 tiết lộ cách mà Ukraine điều khiển vũ khí phương Tây gắn trên các tiêm kích từ thời Liên Xô như Su-27 vốn có thiết kế không tương thích.
"Ukraine sở hữu rất nhiều máy bay quân sự theo hệ Liên Xô và Nga. Chúng tôi phối hợp với phía Ukraine để khiến vũ khí phương Tây hoạt động trên những máy bay này, về cơ bản là phi công dùng iPad điều khiển chúng", ông William LaPlante cho biết.
Ông LaPlante khẳng định "các phi công Ukraine lái máy bay tham chiến chỉ một tuần sau khi chúng tôi bàn giao vật tư".
Không quân Ukraine gần đây công bố video cho thấy một tiêm kích Su-27 mang theo Tên lửa Chống Radar Tốc độ cao (HARM) AGM-88 do Mỹ viện trợ.
Sau khi tích hợp tên lửa chống radar HARM, Ukraine bắt đầu trang bị bom dẫn đường JDAM-ER của Mỹ và tên lửa Hammer do Pháp chế tạo cho tiêm kích Su-27.
Cho đến khi phi đội tiêm kích F-16 mới được phương Tây cấp có thể hoạt động đầy đủ, thì phi đội Su-27 vẫn được đánh giá là có năng lực nhất của không quân Ukraine.