Ukraine lắp tên lửa của tiêm kích lên xe phòng không

ANTD.VN - Quân đội Ukraine hoán cải tổ hợp phòng không tầm ngắn Osa, cho phép nó dùng tên lửa không đối không R-73 thay cho đạn nguyên bản đang khan hiếm.
Truyền thông Ukraine ngày 12/12 công bố ảnh một xe chiến đấu của tổ hợp phòng không tầm ngắn 9K33 Osa được lắp hai giá phóng lấy từ tiêm kích MiG-29 hoặc Su-27, trong đó một giá phóng được lắp tên lửa không đối không tầm ngắn R-73.
Cụm 6 ống bảo quản kiêm bệ phóng tên lửa 9M33 đã được tháo bỏ để lấy chỗ lắp giá phóng đạn R-73, trong khi các radar nhìn vòng và điều khiển hỏa lực vẫn được giữ nguyên.
Ukraine thừa hưởng nhiều tổ hợp phòng không trong đó co 9K33 Osa sau khi Liên Xô tan rã, tuy nhiên cuộc xung đột với Nga đã vắt cạn đạn cho các tổ hợp này.
Chính vì thế để đáp ứng nhu cầu phòng không, Ukraine đã tiến hành tiến hành cải tiến sửa đổi bằng cách lắp tên lửa không đối không R-73 lên hệ thống phòng không 9K33 Osa.
9K33 Osa (Ong bắp cày) là một hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm thấp do Liên Xô nghiên cứu chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO gọi nó bằng cái tên SA-8 Gecko.
Công việc phát triển 9K33 Osa bắt đầu vào năm 1960 như một đối trọng với hệ thống SAM Mauler của Mỹ.
Tổ hợp 9K33 Osa chính thức được chấp nhận đưa vào phục vụ trong các đơn vị Bộ binh cơ giới Liên Xô vào năm 1971 và đã được xuất khẩu tới 19 quốc gia.
9K33 Osa là hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên của Liên Xô tích hợp radar dẫn bắn lên xe mang phóng tự hành (TELAR), tạo ra tính cơ động rất cao.
Điều này giúp cho tổ hợp phòng không vừa có thể vừa phát hiện, theo dõi và dẫn bắn tên lửa chống lại trực thăng cũng như máy bay trong mọi điều kiện thời tiết.
Phiên bản sản xuất ban đầu của Osa mang theo 4 tên lửa 9M33 có tầm bắn tối đa 10 km và trần bay 5 km.
Biến thể nâng cấp Osa AKM mang 6 tên lửa 9M33M3 và nâng tầm bắn lên tới 15 km, độ cao hoạt động lớn nhất 12 km.
Tên lửa đánh chặn 9M33M3 có chiều dài 3.158 mm; đường kính thân 209,6 mm; trọng lượng 170 kg; mang đầu nổ cận đích nặng 16 kg.
Tên lửa đạt vận tốc 1.020 m/s; xác suất tiêu diệt mục tiêu 35 - 85% tùy độ cao, nhược điểm của Osa là nó không thể bắn khi đang di chuyển.
Từng xe mang phóng tự hành của 9K33 Osa đều hoạt động độc lập, radar trinh sát của nó phát hiện được mục tiêu từ cự ly 30 - 40 km, theo dõi trong tầm 20 km và có thể tìm kiếm trong khi di chuyển.
Ở cạnh radar cảnh giới chính có 2 radar điều khiển hỏa lực, vì vậy tổ hợp có thể dẫn bắn cho 2 tên lửa cùng lúc, hơn nữa 2 tên lửa này lại được dẫn trên 2 tần số khác nhau nhằm gây khó khăn hơn cho việc chế áp của đối phương.
9K33 Osa còn có thể nhận sự hỗ trợ từ hệ thống radar cảnh giới cấp trung đoàn như P-40 Long Track, P-15 Flat Face hay PRV-16 Thin Skin...
Thời gian phản ứng từ khi phát hiện mục tiêu cho đến lúc tên lửa được phóng lên là 26 giây.
Xe TELAR 9A33 của 9K33 Osa sử dụng khung gầm xe bọc thép đổ bộ BAZ-5937 6x6 với kíp chiến đấu 5 người, được bọc giáp nhẹ và có khả năng phòng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Thời gian chuyển trạng thái dừng đỗ sang hành quân trong vòng 4 phút.
Thông số kỹ thuật cơ bản của xe với chiều dài 9,1 m; chiều rộng 2,78 m; trọng lượng 18 tấn.
Xe được trang bị động cơ diesel tăng áp 2D20B 300 mã lực cho tốc độ di chuyển tối đa 80 km/h trên đường bộ, 8 km/h khi bơi, tầm hoạt động 500 km, vượt vật cản cao 0,5 m và vượt hào rộng 1,2 m.
Ngoài ra, xe còn được trang bị động cơ turbine khí phụ trợ để đề phòng trường hợp động cơ chính không làm việc và hệ thống điều chỉnh áp suất lốp trung tâm.
Thành phần một khẩu đội tên lửa phòng không 9K33 Osa gồm 4 xe chiến đấu và 2 xe nạp đạn mang theo 18 tên lửa trong container và cần cẩu. Quá trình nạp lại 6 tên lửa cho xe TELAR 9A33 mất 5 phút.
Toàn bộ tổ hợp 9K33 Osa có thể dễ dàng được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự Il-76.
Cho đến hiện tại, 9K33 Osa vẫn được coi là một trong số hệ thống đánh chặn tầm gần nguy hiểm trên thế giới.